Quy định về đầu tư ra nước ngoài và những những điểm nhấn quan trọng

0
292

Ngày 29/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, Nghị định này bao gồm 6 Chương và 41 Điều quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Nghị định có một số nội dung đáng chú ý sau:
Nghị định quy định đối tượng áp dụng gồm: Nhà đầu tư thuộc tổ chức kinh tế thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Hợp tác xã; Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng; Hộ kinh doanh theo quy định pháp luật, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam; Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Vốn đầu tư ra nước ngoài thể hiện dưới các hình thức sau: ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép hoặc ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam; máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu; các tài sản hợp pháp khác.
Theo Nghị định này, Nhà nước chỉ xác nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài (không phải là cấp phép) của nhà đầu tư thông qua việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (thay thế cho giấy phép đầu tư đã từng được sử dụng và giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đang sử dụng).
Về điều kiện để quyết định đầu tư, Nghị định nêu rõ, 5 dự án đầu tư sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư: 1- Dự án năng lượng; 2- Dự án nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản; 3- Dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; 4- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; 5- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng.
Sự thay đổi lớn nhất trong trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chính là việc bỏ thủ tục thẩm tra đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài không thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng. Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, các dự án này sẽ chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký đầu tư ra nước ngoài tới cơ quan quản lý, mà không phải trải qua quá trình thẩm tra như trước đây. Quy định này được xem là thông thoáng, đơn giản, minh bạch hơn rất nhiều và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Một điểm nổi bật trong Nghị định 83 là quy định rõ các nguyên tắc việc chuyển vốn (gồm ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị) ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhằm tạo cơ sở triển khai thực hiện cho tất cả các dự án đầu tư ra nước ngoài. Đó là nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm: Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; nghiên cứu tài liệu; tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư…
Theo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng định hướng đầu tư ra nước ngoài theo từng thời kỳ; Chủ trì thẩm định dự án đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; Chủ trì tổ chức, xây dựng, hướng dẫn, vận hành, duy trì và cập nhật Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; Định kỳ hằng năm, làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao… để xử lý kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư ra nước ngoài;…
Việc chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài nêu trên thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng liên quan tới ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ. Hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 USD, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 29/9/2015 và thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ.