Quy định về lựa chọn nhà thầu.

0
690

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Thông tư này quy định chi tiết việc lập Hồ sơ mời quan tâm, Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13.

Đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi phát sinh từ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ, trường hợp được nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng Mẫu Hồ sơ mời quan tâm, Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định về đấu thầu nêu trong điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế.

Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT quy định rõ các trường hợp áp dụng mẫu Hồ sơ mời quan tâm, mẫu Hồ sơ mời thầu, mẫu Hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn ban hành kèm theo Thông tư này, theo đó: Trường hợp đấu thầu rộng rãi có lựa chọn danh sách ngắn thì áp dụng Mẫu Hồ sơ mời quan tâm và Mẫu Hồ sơ mời thầu; Trường hợp đấu thầu rộng rãi không lựa chọn danh sách ngắn hoặc đấu thầu hạn chế thì áp dụng Mẫu Hồ sơ mời thầu; Trường hợp chỉ định thầu thì áp dụng Mẫu Hồ sơ yêu cầu.

Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải tuân thủ theo Mẫu hợp đồng quy định trong Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu. Chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu có thể bổ sung các điều, khoản liên quan trong hợp đồng theo quy định của pháp luật chuyên ngành nhưng phải đảm bảo tính logic, thống nhất và chặt chẽ của toàn bộ hợp đồng, tránh làm hạn chế quyền của chủ đầu tư và giảm nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2015. Thông tư này thay thế Thông tư số 06/2010/TT-BKH ngày 9 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập Hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn và Thông tư số 09/2011/TT-BKHĐT ngày 7 tháng 9 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập Hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu tư vấn.

ĐẢM BẢO THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG ĐỐI VỚI NHÀ THẦU ĐƯỢC CHỌN

Bảo đảm thực hiện hợp đồng là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư. Vậy việc bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với nhà thầu được chọn được áp dụng như thế nào? Nội dung này được quy định tại Điều 66 Luật Đấu thầu năm 2013 như sau:
1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện và tham gia thực hiện của cộng đồng.
2. Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực.
3. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 2% đến 10% giá trúng thầu.
4. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.
5. Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau đây:
a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;
b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của mình nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.