Quy định về ngôn ngữ của hơp đồng

0
1581

Tình huống: Hai pháp nhân Việt Nam ký 1 hợp đồng, thực hiện trên lãnh thổ việt nam, ví dụ 1 hợp đồng mua bán hàng hóa, 1 thỏa thuận phân phối chẳng hạn, 1 bên là 1 pháp nhân 100% vốn của Việt Nam, 1 bên là 1 cty 100% vốn của nước ngoài nhưng được thành lập mới từ đầu tại Việt Nam => thì cũng được gọi là pháp nhân Việt Nam đúng không?, vậy Hợp đồng/Thỏa thuận này có thể chỉ ký bằng Tiếng Anh không? Tức là ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh, mà không ký song ngữ.

Có quy định nào cụ thể của pháp luật Việt Nam rằng HĐ ký giữa các pháp nhân Việt Nam phải bằng tiếng Việt không?

Các luật sư SBLAW cho em tham vấn với nhé.

Luật sư trả lời: Tình huống này, luật sư có ý kiến như sau:

1.    Chúng tôi không thấy có quy định Hợp đồng phải được lập bằng tiếng Việt, song Hợp đồng cần phải dịch ra tiếng Việt hoặc có bản song ngữ tiếng nước ngoài và tiếng Việt vì:

(i)            Liên quan đến khâu kiểm tra thuế và kế toán của doanh nghiệp. Khoản 1, điều 12, Luật Kế toán quy định “Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính ở Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.”

(ii)           Liên quan đến giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Điều 20, Bộ Luật TTDS 2004 (Được sửa đổi năm 2011) quy định “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt.Người tham gia tố tụng dân sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có người phiên dịch”;

(iii)          Liên quan đến tranh chấp, song nếu giải quyết bằng trọng tài thì không cần có bản tiếng Việt. Khoản 2, điều 10, Luật trọng tài thương mại quy định “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định”.

Vậy rõ ràng có thể tồn tại Hợp đồng chỉ bằng tiếng nước ngoài khi giải quyết tại Trọng tài. Mục đích của Hợp đồng là do hai Bên làm căn cứ thực thi và chứng minh với Cơ quan hữu quan (khi cần). Do vậy, không nên chỉ có tiếng nước ngoài mà nên song ngữ.

2.    Thực tế trong quá trình làm việc với Cơ quan thuế và Tòa án thì các Hợp đồng bằng tiếng Anh sẽ được yêu cầu DỊCH CÔNG CHỨNG.

3.    Do vậy, tốt nhất để tránh bản dịch không đồng nhất với bản gốc, tốt nhất là tại thời điểm soạn nên soạn song ngữ và dĩ nhiên trong trường hợp này Tiếng Việt sẽ được xem làm căn cứ giải quyết.

4.    Luật sư chúng tôi có xử lý một vụ tranh chấp lao động, theo đó HĐLĐ chỉ được lập bằng tiếng Anh và một bên đề nghị tuyên vô hiệu nhưng Tòa không chấp nhận vì Công ty FDI và NLĐ lại là người nước ngoài. Khi này chỉ cần dịch công chứng để làm cơ sở giải quyết.