Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng

0
542

Câu hỏi: Công ty tôi (Công ty A) có thực hiện giao kết một hợp đồng kinh tế (hợp đồng 1) với Công ty B, trong điều khoản về giải quyết tranh chấp có quy định rằng nếu 2 bên không hoà giải được tranh chấp thì cơ quan được lựa chọn để giải quyết tranh chấp sẽ là toà án. Tuy nhiên, gần đây 2 bên có xảy ra tranh chấp, chúng tôi có ký một thoản thuận thanh toán (thoả thuận 2) với tổ chức kinh tế kia về phương thức thanh toán để giải quyết tranh chấp. Trong thoả thuận đó 2 bên cũng thống nhất về việc nếu có xảy ra tranh chấp tiếp thì cơ quan giải quyết sẽ là bên trọng tài thương mại. Vậy, trong trường hợp có tranh chấp về thoả thuận 2, cụ thể là thoả thuận 2 không thực hiện được thì có được coi là tranh chấp của hợp đồng 1 chưa được giải quyết hay không và cơ quan nào sẽ có thẩm quyền xử lý tranh chấp này? Xin trân trọng cảm ơn quý công ty.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Thoả thuận 2 được Công ty A và Công ty B ký như là một phương thức giải quyết tranh chấp cho Hợp đồng 1. Vì vậy, trong trường hợp Công ty A và Công ty B bên đã ký thoả thuận 2 nhưng một trong hai bên không thể thực hiện được nội dung công việc trong thoả thuận đó thì có thể coi là tranh chấp chưa được giải quyết.

Về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp, bởi thoả thuận 2 là phương thức hoà giải của 2 bên để giải quyết tranh chấp xảy ra ở hợp đồng 1, thì trong trường hợp 2 bên không có tranh chấp gì về nội dung của thoả thuận 2 và đều đồng ý với nhau là thoả thuận 2 không thể thực hiện được, thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ là toà án, bởi tranh chấp ở đây là tranh chấp về hợp đồng 1, và 2 bên đã hoà giải không thành công. Còn nếu Công ty A và Công ty B có tranh chấp về nội dung của thoả thuận 2 và không hoà giải được, tranh chấp ở thoả thuận 2 sẽ được xử lý bởi cơ quan trọng tài, và phán quyết của cơ quan trọng tài sẽ là phán quyết cuối cùng và Công ty A cũng như Công ty B đều phải tuân theo. Từ đó, việc bắt buộc thi hành các nội dung ở thoả thuận 2 sẽ dẫn đến việc tranh chấp ở hợp đồng 1 được giải quyết.