Quyền sở hữu trí tuệ: Công cụ cạnh tranh hữu hiệu của doanh nghiệp

0
777

Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những quyền tài sản quan trọng, nhất là trong giai đoạn Việt Nam chuyển sang nền kinh tế tri thức. Chính vì thế, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ cạnh tranh hữu hiệu của doanh nghiệp

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo. Đây là độc quyền được công nhận cho một cá nhân, một nhóm người hoặc một tổ chức, cho phép họ được sử dụng hay khai thác các khía cạnh thương mại của một sản phẩm sáng tạo.

Theo quy định của Luật sở hữu Trí tuệ Việt Nam thì Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm 3 nhóm quyền cơ bản là quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với cây trồng, giống vật nuôi.

Trong đó quyền sở hữu công nghiệp là một trong những quyền quan trọng bậc nhất, quyết định tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại hoặc sản xuất, cũng như đối với các tác giả là các nhà khoa học, nhà quản lý có những phát minh, sáng kiến trong quá trình nghiên cứu khoa học hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nhóm quyền này bao gồm: nhãn hiệu, tên thương mại, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và chỉ dẫn địa lý.

Vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta diễn ra tương đối phổ biến và đa dạng, đặc biệt là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Thêm nữa, đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp đảm bảo cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế bền vững và đúng pháp luật từ chính những sản phẩm trí tuệ của mình. Hơn thế nữa, các sản phẩm trí tuệ đó sẽ được xã hội ghi nhận như một phần tất yếu của lịch sử nhân loại của mỗi quốc gia, dân tộc. Nó sẽ sống trường tồn với thời gian do những giá trị sáng tạo mà nó đã đem lại.

Từ đầu năm 2017, Việt Nam đã phối hợp với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để xây dựng Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ quốc gia nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chính của chiến lược là nâng cao hiệu quả hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cấp hệ thống xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chủ yếu là quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng thành hệ thống dịch vụ hành chính công hiện đại và thân thiện với người sử dụng.

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vai trò và vị trí của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng cao. Chính vì thế, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần nắm vững cách thức sử dụng hiệu quả quyền SHTT để nâng cao vị thế và giá trị của doanh nghiệp mình.

Doanh nghiệp cần phải đảm bảo có thể sẵn sàng giải quyết những thách thức và áp dụng các biện pháp nhằm khai thác tài sản trí tuệ của họ và bảo hộ những tài sản đó ở bất cứ đâu có thể. Để làm được điều này, trước tiên doanh nghiệp cần nhận thức được rằng ở trình độ phát triển của xã hội hiện nay, tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều lần các loại tài sản hữu hình cộng lại.