Câu Hỏi: Kính chào luật sư! Tôi đại diện cho ba hộ dân khác nữa xin hỏi luật sư sự việc như sau. Tôi và ba hộ dân khác bị phía người có thửa đất liền kề không cho dẫn nước qua. Sự việc cụ thể như sau thưa luật sư:
Trước đây thửa đất mà chúng tôi đang canh tác do một người chủ dùng đất để trồng nho, nhưng nay người chủ đất chuyển nhượng lại cho chúng tôi gồm 4 người cùng mua và canh tác chung. Trên thửa đất này có hệ thống nước tưới đầy đủ do nhà nước cung cấp thông qua hệ thống thủy lợi của địa phương.
Do chúng tôi là người ở nơi xa đến để làm ăn nên người chủ của thửa đất liền kề không cho chúng tôi dẫn đường ống dẫn nước qua, sự thật là đường ống này do ông chủ cũ để lại chúng tôi chỉ sử dụng. Nay người chủ liền kề phá đường ống nước của chúng tôi vì chúng tôi không đóng tiền phí cho ông ta với số tiền là 100.000.000 đồng. Chúng tôi mới đến chưa làm ăn gì mà tự dưng bắt đóng 100.000.000 đồng là điều vô lý, chúng tôi không thể chấp nhận được. Việc phá đường ống dẫn nước của chúng tôi khiến chúng tôi không có nước sinh hoạt cũng như nước tưới tiêu vì chỗ tôi ít mưa và khoan giếng cũng không có nước nên thật sự là sự việc này khiến chúng tôi vô cùng bức xúc.
Xin luật sư tư vấn cho chúng tôi rõ là chúng tôi có được dẫn đường ống nước qua đất của người hàng xóm kia hay không? Chúng tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi trong trường hợp này.
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
– Quyền đối với bất động sản liền kề.
– Theo quy định tại Điều 245 Bộ luật dân sự năm 2015 quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).
– Quyền này có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao cho chủ thể khác khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
– Thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề.
– Các bên tự thỏa thuận về việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề. Nếu các bên không có thỏa thuận thì việc thực hiền quyền này được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
+ Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.
+ Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.
+ Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.
– Chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền phải thông báo trước cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền trong một thời hạn hợp lý khi có sự thay đổi về việc sử dụng, khai thác bất động sản chịu hưởng quyền dẫn đến thay đổi việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền. Chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền phải tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền phù hợp với sự thay đổi đó.
– Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề.
Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề được quy định chi tiết tại Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015:
– Nếu do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
– Khi lắp đặt đường dẫn nước, người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.
– Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước.
– Đối với việc thoát nước mưa: Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.
– Đối với việc thoát nước thải: Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.
– Chấm dứt quyền đối với bất động sản liền kề.
Theo quy định tại Điều 256 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền đối với bất động sản liền kề chấm dứt khi:
– Bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền thuộc quyền sở hữu của một người.
– Việc sử dụng, khai thác bất động sản không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền.
– Theo thỏa thuận của các bên.
– Trường hợp khác theo quy định của luật.
Sự việc của bạn trước hết cần sự hòa giải, giải quyết của chính quyền địa phương. Bạn cần báo với chính quyền địa phương về vấn đề này để được hỗ trợ trong việc cấp nước này, tất nhiên việc bạn bị thiệt hại do người hàng xóm phá đường ống thì bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.