Công ty luật SBLAW

RỦI RO KHI LÀM TỪ THIỆN ONLINE

Trên mạng xã hội thời gian gần đây đang xôn xao câu chuyện từ thiện online liên quan tới Phạm Thoại và mẹ Bắp, để hiểu đúng về các vấn đề pháp lý sau đây là chia sẻ từ Luật sư Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLAW mời quý độc giả theo dõi:

Từ câu chuyện Phạm Thoại và mẹ Bắp – Hoạt động kêu gọi từ thiện online hiện nay có những rủi ro pháp lý nào?

Từ câu chuyện Phạm thoại và mẹ bé Bắp, một số rủi ro pháp lý có thể gặp phải khi kêu gọi từ thiện online hiện nay như sau:

  • Vi phạm quy định về quyên góp từ thiện: việc vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Nếu không có sự cho phép hoặc không đáp ứng các yêu cầu về tổ chức từ thiện, người tổ chức có thể bị xử phạt hành chính.
  • Lừa đảo, gian lận trong việc thu và sử dụng tiền từ thiện: Các hành vi lừa đảo trong hoạt động kêu gọi từ thiện online đang là vấn đề ngày càng nhức nhối. Nếu một cá nhân hoặc tổ chức quyên góp nhưng không sử dụng số tiền thu được cho mục đích đã cam kết, hoặc trục lợi cá nhân từ khoản tiền quyên góp này, họ có thể bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
  • Trách nhiệm hình sự: nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi lừa đảo, người tổ chức có thể bị xử lý hình sự với mức án tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu số tiền chiếm đoạt lớn trên 500 triệu đồng, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.
  • Trách nhiệm dân sự: những người bị hại (người quyên góp) có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu người tổ chức hoàn trả số tiền đã quyên góp.
  • Vi phạm quyền lợi và thông tin cá nhân của người quyên góp: việc sử dụng hình ảnh, tên tuổi của người quyên góp mà không có sự đồng ý của họ là một rủi ro pháp lý. Nếu hình ảnh, thông tin cá nhân của người quyên góp bị sử dụng mà không có sự đồng ý, người đó có thể kiện cá nhân, tổ chức từ thiện vi phạm quyền riêng tư.
  • Truyền bá thông tin sai sự thật hoặc xuyên tạc mục đích quyên góp: một trong những rủi ro lớn đối với các chiến dịch từ thiện online là việc đưa ra thông tin sai lệch hoặc xuyên tạc về mục đích và cách thức quyên góp. Nếu tổ chức từ thiện online công khai các thông tin không đúng sự thật, như đưa thông tin sai về tình trạng của người cần giúp đỡ hoặc không minh bạch trong việc sử dụng số tiền quyên góp, họ có thể bị kiện hoặc xử lý theo pháp luật.
  • Vi phạm pháp luật về thông tin sai sự thật: các tổ chức và cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 nếu cố tình làm giả các thông tin về hoạt động từ thiện, đặc biệt khi gây thiệt hại cho người khác hoặc làm tổn hại đến lợi ích cộng đồng.
  • Trách nhiệm dân sự: nếu người tham gia quyên góp bị thiệt hại hoặc tổ chức từ thiện gây tổn thất vì thông tin sai lệch, họ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều này có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của tổ chức từ thiện.
  • Khả năng vi phạm luật thuế: việc quyên góp từ thiện có thể liên quan đến nghĩa vụ thuế. Theo Luật Thuế TNCN, TNDN, Luật GTGT, nếu tổ chức hoặc cá nhân nhận tiền quyên góp mà không thực hiện báo cáo đầy đủ và không kê khai đúng với cơ quan thuế, họ có thể bị phạt về việc trốn thuế hoặc không tuân thủ nghĩa vụ thuế. Hậu quả của việc không khai báo thuế, cá nhân hoặc tổ chức có thể bị xử lý hành chính hoặc truy thu thuế, cộng với khoản tiền phạt lên đến 50% số tiền thuế trốn.

Theo quy định của pháp luật, một cá nhân kêu gọi từ thiện cần tuân thủ những yêu cầu nào để đảm bảo tính minh bạch?

Đối với việc cá nhân kêu gọi từ thiện thì khoản 2 Điều 23 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện và sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cụ thể:

  • Về việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp từ thiện thì khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu; có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

  • Cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
  • Chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
  • Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.
  • Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện một trường hợp kêu gọi từ thiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên làm gì?

Thứ nhất, người dân nên tìm hiểu về nguồn gốc của lời kêu gọi từ thiện. Việc làm này là cần thiết nhưng thực tế cho thấy, mỗi người dân chỉ có thể cố gắng trong phạm vi khả năng của mình. Một số hoạt động mà người dân có thể làm trong việc tìm hiểu về nguồn gốc của lời kêu gọi từ thiện đó là: tìm hiểu về nguồn gốc, xác thực các thông tin liên quan đến người cần giúp đỡ.

Thứ hai, người dân cần phải ngừng ngay việc quyên góp nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Việc đưa ra những dấu hiệu cụ thể về một hoạt động kêu gọi từ thiện lừa đảo dường như là điều bất khả thi trước những thủ đoạn hết sức tinh vi và khó lường của người có hành vi lừa đảo bằng hoạt động từ thiện. Chính vì vậy, tốt nhất mỗi người dân nếu cảm thấy kênh kêu gọi từ thiện không an toàn thì không nên thực hiện hoạt động từ thiện hoặc nếu đã và đang thực hiện hoạt động từ thiện thì cần phải chấm dứt ngay hoạt động này để tránh trường hợp tiền mất tật mang.

Thứ ba, người dân khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo phải báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ. Việc làm này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kịp thời xử lý các hành vi lừa đảo dưới hình thức làm từ thiện, giảm thiểu tối đa số người có thể trở thành nạn nhân của các hành vi này.

Thứ tư, mỗi người dân vô tình trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo dưới hình thức kêu gọi từ thiện cần cảnh báo cộng đồng. Việc cảnh báo này dĩ nhiên phải dựa trên những chứng cứ có thực, khách quan, được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định chứ không phải dựa trên niềm tin, sự nghi ngờ chủ quan.

Theo luật sư, những điểm liên quan đến pháp luật chưa được sáng tỏ trong vụ Phạm Thoại và mẹ bé Bắp là gì?

Phiên Livestream của Phạm Thoại

 

 

Trước hết, vụ việc này liên quan đến hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện của cá nhân, do đó phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Nghị định 93/2021/NĐ-CP. Có một số điểm quan trọng cần làm rõ:

Thứ nhất, về trách nhiệm công khai và minh bạch số tiền quyên góp. Theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 93, cá nhân kêu gọi từ thiện có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ thông tin về số tiền đã nhận, đã chi và công khai trên các phương tiện truyền thông. Đến nay, Phạm Thoại đã công khai một phần thông tin, nhưng liệu việc này đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của pháp luật hay chưa thì cần xem xét kỹ.

Thứ hai, về quản lý và sử dụng tài khoản tiếp nhận đóng góp. Pháp luật quy định rằng, cá nhân kêu gọi từ thiện phải mở tài khoản ngân hàng riêng cho từng đợt vận động. Nếu số tiền quyên góp được chuyển vào tài khoản cá nhân mà không có sự tách bạch rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro pháp lý, đặc biệt là trong trường hợp phát sinh tranh chấp hoặc khi cần sao kê, minh bạch tài chính.

Thứ ba, nếu có dấu hiệu sử dụng tiền từ thiện sai mục đích hoặc trục lợi, thì có thể xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nếu người kêu gọi từ thiện có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện, có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS. Ngoài ra, người kêu gọi từ thiện cũng có thể bị xử phạt hành chính nếu không thực hiện đúng các quy định về công khai và minh bạch tài chính.

Vụ việc của Phạm Thoại và mẹ bé Bắp đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được làm rõ. Tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để làm rõ các vấn đề này và đảm bảo quyền lợi của người dân.

 

    Tư Vấn Pháp Lý Từ Văn Phòng Luật Sư

    Liên Hệ Với Luật Sư SBLAW Được Hỗ Trợ Pháp Lý