- Pháp luật Việt Nam quy định xử lý như thế nào đối với hành vi đánh người khi va chạm giao thông? Hành vi này có thể bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” hay tội “Gây rối trật tự công cộng”?
Trả lời:
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi đánh người khi va chạm giao thông mà đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, trong trường hợp hành vi đánh người khi va chạm giao thông chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ – CP.
Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi đánh người khi va chạm giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 134 BLHS 2015), tội “Gây rối trật tự công cộng” (Điều 318 BLHS 2015), tội “Giết người” (Điều 123 BLHS 2015) hoặc tội “Làm nhục người khác” (Điều 155 BLHS 2015) nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Trường hợp người thực hiện hành vi đánh người khi có sự va chạm giao thông mà gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì có thể bị phạt tù từ 02 đến 07 năm về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với trường hợp đánh người mà gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân, thì tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật và các tình tiết có liên quan mà người thực hiện hành vi đánh người sẽ bị áp dụng khung hình phạt tương ứng đối với tội cố ý gây thương tích. Ví dụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Có quan điểm cho rằng, nhiều người khi va chạm giao thông đã thực hiện rất nhiều hành vi nguy hiểm, bạo lực, hành hung người khác, tuy nhiên, hậu quả pháp lý chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm và xử lý hình sự. Điều này dẫn đến việc quy định của pháp luật chưa thực sự có tính răn đe đối với người khác.
Do đó kiến nghị cần tăng mức chế tài đối với hành vi này để nâng cao ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông? Anh có đồng ý với quan điểm này không?
Trả lời:
Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, dẫn đến việc nhiều cá nhân vẫn có hành vi bạo lực sau va chạm giao thông. Việc chỉ xử phạt hành chính hoặc yêu cầu bồi thường dân sự đôi khi chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi.
Vì vậy, xem xét tăng nặng chế tài xử lý, chẳng hạn như giảm điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nâng mức phạt hành chính để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện một cách hợp lý và có hệ thống, không chỉ bằng cách tăng nặng hình phạt mà còn kết hợp với các biện pháp giáo dục, tuyên truyền và giám sát thực thi pháp luật để đạt được hiệu quả lâu dài. Mục tiêu không chỉ là xử lý vi phạm mà còn nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh trong cộng đồng.
- Có thể thấy, chỉ vì va chạm rất nhỏ nhưng có rất nhiều người lại thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Anh có kiến nghị gì nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao ý thức của người dân nhằm hạn chế tình trạng trên?
Trả lời:
Để hạn chế tình trạng nêu trên tôi đưa ra các kiến nghị về pháp luật và nâng cao ý thức của người dân như sau:
– Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật theo đó tăng cường chế tài xử lý vi phạm:
+ Bổ sung quy định xử phạt hành vi bạo lực khi tham gia giao thông: Hiện nay, hành vi đánh người khi va chạm giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về “Tội cố ý gây thương tích” hoặc bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể hơn về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực xảy ra trong tình huống va chạm giao thông để tăng tính răn đe.
+ Tăng cường áp dụng xử phạt nguội: Cơ quan chức năng nên lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường và khu vực có mật độ giao thông cao để phát hiện, xử lý vi phạm một cách khách quan, giảm tình trạng xô xát do tranh cãi khi không có bằng chứng rõ ràng.
+ Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên khi xảy ra va chạm: Hiện tại, luật quy định các bên có nghĩa vụ dừng lại, giữ nguyên hiện trường và báo cáo cơ quan chức năng nếu có tai nạn. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về cách giải quyết xung đột trong trường hợp va chạm nhỏ, tránh việc người dân tự ý giải quyết bằng bạo lực.
– Thứ hai, nâng cao ý thức pháp luật của người dân:
+ Bổ sung nội dung giáo dục pháp luật về giao thông vào chương trình đào tạo lái xe: Khi tham gia học và thi lấy bằng lái xe, người điều khiển phương tiện không chỉ cần học về luật giao thông mà còn cần được đào tạo về đạo đức cũng như cách ứng xử khi xảy ra va chạm, nhằm tránh những hành vi dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
+ Đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông: Các cơ quan chức năng nên thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, truyền hình, báo chí để nâng cao nhận thức của người dân về hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Có thể thực hiện các chương trình giả định tình huống để hướng dẫn cách xử lý va chạm đúng luật, tránh bạo lực.
+ Tăng cường trách nhiệm của lực lượng chức năng: Xử lý nghiêm các vụ việc để tạo tiền lệ tốt: Khi xảy ra những vụ việc như thế này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý công khai để làm gương. Nếu có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cần khởi tố để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
+ Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực dễ xảy ra va chạm: Lực lượng cảnh sát giao thông và công an khu vực nên có mặt nhiều hơn tại các khu vực dễ xảy ra xung đột (ngõ nhỏ, khu vực đông dân cư) để kịp thời can thiệp khi có sự cố.
Việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo tiền lệ xấu trong xã hội. Để hạn chế tình trạng này, cần có giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện pháp luật đến nâng cao nhận thức của người dân. Chỉ khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, người dân có ý thức tốt và có cơ chế giải quyết mâu thuẫn văn minh thì những hành vi bạo lực như trong vụ việc trên mới dần được loại bỏ.