Đây là nội dung mới nổi bật được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2018.
Dù Khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012 cấm người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, thực tế vẫn xuất hiện nhiều trường trường hợp người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do nêu trên.
Kể từ ngày 01/01/2018, người sử dụng lao động nếu vi phạm quy định này sẽ phải chịu chế tài về hình sự khá nặng theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:
Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, chế tài đối với tội danh này tại Bộ luật Hình sự 2015 nặng hơn quy định định hiện hành tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 1999 (mức phạt tù tối đa nâng từ 01 năm lên thành 03 năm).