Sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)

0
585

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn trên báo Dân Việt về Sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Ông đánh giá thế nào về việc pvn rồi lan cả sang vinashin, một tập đoàn yếu kém buộc phải tái cơ cấu đã sử dụng chiêu lãi suất ngoài để chiếm đoạt tiền vào túi một số cá nhân?

Trả lời:

Với hành vi dùng tiền nhà nước, gửi vào Ocean Bank, rồi hưởng lãi suất ngoài, không hạch toán vào doanh nghiệp mà chia nhau, sử dụng cho mục đích cá nhân thì rõ ràng, các lãnh đạo của các doanh nghiệp này đã có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật hình sự, cấu thành tội phạm về tham nhũng.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước này cũng làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thay vì dùng tiền vào đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc tài cơ cấu, lại dùng tiền đi gửi ngân hàng trong khi doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng bị ảnh hưởng vì việc chi lãi ngoài cho các doanh nghiệp, sử dụng công cụ lãi ngoài để huy động vốn và làm méo mó tình hình tài chính của chính tổ chức tín dụng đi huy động.

2. Vì sao một chủ tịch ngân hàng cổ phần lại có thể làm được việc đó, ai chống lưng cho hà văn thắm?

Trả lời:

Trách nhiệm trước nhất thuộc về HDQT và ban kiểm soát của Ngân hàng Ocean Bank tại thời điểm đó, không có sự giám sát các hoạt động của chủ tịch ngân hàng, bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng, cá nhân ông Hà Văn Thắm đã dùng nhiều cách để có thể tập trung quyền lực, chi phối các hoạt động ngân hàng và đưa ra các chính sách sai.

Cũng phải nói rằng, do ngân hàng Oceanbank vào thời điểm đó khó khăn, tính thanh khoản kém, dự trự hạn chế, để trách sụp đổ, bản thân ông Hà Văn Thắm đã phải dùng thủ đoạn này để hút tiền gửi, nhằm duy trì hoạt động của ngân hàng.

Các hoạt động thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng tại thời điểm đó không sâu sát, bị buông lỏng dẫn tới không có cảnh báo kịp thời sai phạm.

3. Từ câu chuyện này, vấn đề đặt ra đối với hoạt động của các DNNN, bộ máy nhà nước cũng như hệ thống NH?

Trả lời:

Đây là bài học cho các lãnh đạo DNNH, khi tìm cách lách luật, làm sai quy định, tham ô, tham nhũng, có thể qua được giai đoạn ban đầu, nhưng về sau, sẽ có thể bị thanh tra lại và nếu có dấu hiệu hình sự, sẽ bị khởi tố và chịu trách nhiệm hình sự nặng nề. Vì vậy, để tránh vướng vào vòng lao lý, lãnh đạo các doanh nghiệp NN cần thận trọng, làm đúng các quy định của pháp luật, không có hành vi tham ô, cố ý làm trái để tránh bị xử lý về sau.

Đối với hệ thống ngân hàng, là mạch máu của nền kinh tế, cần tuân thủ triệt để các quy định của luật các tổ chức tín dụng, tránh để một nhóm cổ đông hoặc cá nhân có thể lũng đoạn, biến ngân hàng thành sân sau để chỉ huy động vốn, phục vụ cho các dự án của chính các cổ đông đó.

Việc thanh tra, giám sát và nhắc nhở từ cơ quan quản lý đối với hoạt động ngân hàng là quan trọng, tránh để xảy ra những sai phạm lớn và đổ vỡ hệ thống.