SỬ DỤNG BIỂU ĐỒ SÁNG CHẾ (PATENT MAP) ĐỂ PHÂN TÍCH VỀ CÔNG NGHỆ CHIẾU SÁNG LED

0
819

Bằng việc phân tích thống kê các dữ liệu từ thông tin sáng chế có thể thấy được một cách rõ ràng và đầy đủ về hoạt động đăng ký sáng chế của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhờ sử dụng biểu đồ sáng chế, báo cáo toàn cảnh sáng chế, có thể phân tích được xu hướng công nghệ trên thế giới, từ đó giúp doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý xác định được chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Nhóm tác giả đã phân tích thống kê các dữ liệu thông tin sáng chế để lập một báo cáo toàn cảnh sáng chế về công nghệ chiếu sáng LED.

1. Lời nói đầu

1.1. Khái niệm chung về LED

LED (viết tắt của Light Emitting Diode, có nghĩa là điốt phát quang) là các điốt có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại, tử ngoại. LED được coi là một thế hệ công nghệ chiếu sáng mới. So với bóng đèn huỳnh quang compact và bóng đèn dây tóc, đèn LED có hiệu quả hơn lần lượt gấp 4 lần và 15 lần. So với bóng đèn huỳnh quang, nó tiêu thụ ít năng lượng hơn và không chứa thủy ngân độc hại. Không chỉ tiết kiệm năng lượng, loại đèn này còn có tuổi thọ kéo dài, gấp khoảng 30 lần so với bóng đèn sợi đốt. Nhiều bóng đèn LED có tuổi thọ 25.000 giờ, tức tương đương 17 năm sử dụng nếu dùng để chiếu sáng 4 giờ mỗi ngày.

1.2. Tính chất của công nghệ LED

Những tính chất riêng đã quy định đặc thù của công nghệ đèn LED và tạo nên những ưu điểm khiến LED đánh bại bất cứ công nghệ chiếu sáng nào đã từng tồn tại: – tiêu thụ điện năng thấp so với ánh sáng thông thường: tiết kiệm mức thấp nhất, hiệu suất chiếu sáng cao hơn nữa tiết kiệm khoảng 75% điện so với đèn chiếu sáng thông thường; – thân thiện với môi trường: không tia cực tím, không bức xạ tia hồng ngoại, phát nhiệt của ánh sáng thấp, không chứa thuỷ ngân và những chất có hại…, không gây ô nhiễm môi trường; – nhiệt độ làm việc thấp: nhiệt độ làm việc của bóng đèn LED cao hơn nhiệt độ môi trường khoảng -5 đến 8 oC, thấp hơn so với đèn huỳnh quang thông thường là khoảng -3 đến 25oC; – tuổi thọ cao: vượt quá 50.000 giờ (tương đương với 6 năm thắp sáng liên tục); 2 – mỏng và nhẹ: các sản phẩm sử dụng công nghệ LED thường có ưu điểm là thiết kế mỏng và trọng lượng nhẹ. 1.3. Lịch sử phát triển công nghệ LED Công nghệ LED lần đầu tiên được nhà khoa học Oleg Losev sáng chế ra ở Nga vào năm 1920. Bóng đèn LED được đưa vào thương mại hóa lần đầu tiên ở Mỹ năm 1962. Nick Holonyak Jr – được xem là cha đẻ của công nghệ đèn đa sắc LED – đã hợp tác cùng với M. Geogre Crawford ở Trường Đại học Illinois (Hoa Kỳ) để hoàn thiện hết các màu sắc sẵn có của LED. Kể từ đó, công nghệ đèn chiếu LED được gắn liền với sự phát triển của công nghệ chiếu nền trong những chiếc TV. Sau này, đèn LED tiếp tục được phát triển rộng rãi và bắt đầu được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. 1.4. Các ứng dụng công nghệ LED Trước đây, một bộ phận rất nhỏ của công nghệ LED được ứng dụng trong một số lĩnh vực như bộ phận hiển thị trong các thiết bị điện, điện tử, đèn quảng cáo, trang trí, đèn giao thông. Các LED phát ra tia hồng ngoại được dùng trong các thiết bị điều khiển từ xa cho đồ điện tử dân dụng. LED còn được sử dụng để cung cấp ánh sáng bổ sung cho thực vật, nhất là vào giai đoạn nảy mầm và ra hoa. Ngày nay (khoảng từ 2010 – 2016), công nghệ LED đã có những bước nhảy vọt trong ứng dụng vào thị trường dân dụng và công nghiệp một cách rộng rãi. Cụ thể, trong lĩnh vực chiếu sáng dân dụng: đèn LED được ứng dụng mạnh mẽ vào lĩnh vực trang trí nội thất hiện đại và cổ điển, trang trí ngoại thất, tiểu cảnh, sân vườn, v.v.. Trong lĩnh vực chiếu sáng công nghiệp, vì có chi phí cao nên mặc dù hiểu rõ được tính ưu việt của công nghệ LED, nhưng chỉ một số doanh nghiệp nước ngoài có năng lực về tài chính mới dám lựa chọn giải pháp chiếu sáng bằng công nghệ LED cho nhà xưởng sản xuất của mình.1 2. Thực trạng công nghệ LED ở Việt Nam Trong những năm trở lại đây, công nghệ đèn LED được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam như chiếu sáng ngoài trời, quảng cáo, chiếu sáng tại nhà xưởng…Tuy nhiên, công nghệ LED còn khá mới mẻ. Hiệu quả đã có nhưng cũng không ít tồn tại, thách thức cần phải giải quyết trước khi công nghệ này có thể thay thế phương pháp chiếu sáng truyền thống hiện nay. Hiện nay, công nghệ chiếu sáng LED là một trong những hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia và việc áp dụng rộng rãi công nghệ này sẽ là một đóng góp đáng kể cho việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.2 Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng phát triển công nghệ chiếu sáng LED ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn và rào cản. Việt Nam còn thiếu kiến thức, hiểu biết chưa đầy đủ về công nghệ chiếu sáng LED, thiếu trình độ chuyên môn trong việc xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống công nghệ chiếu sáng LED; thiếu cơ sở khoa học và nền tảng công nghệ, vì vậy chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Ngoài ra, giá thành của công nghệ chiếu sáng LED còn quá cao so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống khác cũng là một trong những rào cản chính đối với việc sử dụng rộng rãi công nghệ chiếu sáng LED ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu được đầu tư sản xuất ở quy mô lớn và hạ thấp giá thành, chắc chắn công nghệ LED sẽ thay thế các loại đèn chiếu sáng truyền thống hiện nay.

3. Mục đích của bài viết

Bài viết nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về hoạt động đăng ký sáng chế trong công nghệ chiếu sáng LED bằng phương tiện phân tích thống kê đơn và bằng độc quyền sáng chế.

4. Chiến lược tra cứu thông tin sáng chế

4.1. Xác định yêu cầu tra cứu

Tra cứu thông tin sáng chế nhằm mục đích nhận diện các sáng chế liên quan đến công nghệ chiếu sáng LED, để từ đó trên cơ sở các dữ liệu tìm được, tiến hành phân tích thông tin sáng chế để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình nộp đơn đăng ký sáng chế và bằng độc quyền sáng chế được cấp trong lĩnh vực này.

4.2. Xác định từ khóa và chỉ số phân loại dùng trong tra cứu thông tin sáng chế.

4.2.1. Xác định từ khóa

Việc nghiên cứu tổng quan được thực hiện bằng cách tìm kiếm các tài liệu về công nghệ chiếu sáng LED nhằm lựa chọn các từ khoá để xây dựng các biểu thức tra cứu và đặc biệt là giúp xác định sự thích hợp của một họ sáng chế so với một họ sáng chế khác, dựa vào đó chỉ có sáng chế mô tả “chiếu sáng LED” được đưa vào. Từ nghiên cứu tổng quan về chiếu sáng LED, một danh mục các từ khoá được thiết lập và danh mục này sẽ được chỉnh sửa trong quá trình tra cứu thông tin sáng chế. Các từ khoá thích hợp liên quan đến các đơn đăng ký sáng chế và Bằng độc quyền sáng chế: LED: điốt phát quang, đèn LED, Light Emitting Diode, …

4.2.2. Xác định các chỉ số phân loại sáng chế thích hợp liên quan tới công nghệ chiếu sáng LED

Bằng cách sàng lọc phân loại sáng chế quốc tế, các chỉ số tương ứng đối với công nghệ chiếu sáng LED đã được tìm ra: F21K: Các nguồn ánh sáng chưa có trong các nhóm khác F21L: Hệ thống hoặc các thiết bị chiếu sáng xách tay hoặc chuyên dùng để vận chuyển F21S: Hệ thống và thiết bị chiếu sáng không xách tay được F21V: Các tính năng hoặc chi tiết của hệ thống hoặc thiết bị chiếu sáng; Kết hợp các thiết bị chiếu sáng với các sản phẩm khác về mặt kết cấu, mà chưa được phân loại vào vị trí khác F21W: Bảng mã số được kết hợp với các lớp F21L, S và V, liên quan đến việc sử dụng hoặc ứng dụng các hệ thống hoặc thiết bị chiếu sáng F21Y: Sơ đồ mã số được kết hợp với các phân lớp F21L, S và V, liên quan tới hình dạng nguồn sáng C09K11/00-C09K11/89: Các vật liệu phát quang, ví dụ điện phát quang, hóa phát quang H01L: Dụng cụ bán dẫn; Dụng cụ điện mạch rắn, không thuộc về các lớp hoặc phân lớp khác H05B: Nung bằng điện; Thiết bị chiếu sáng bằng điện không có trong các lớp khác

4.3. Lựa chọn cở sở dữ liệu thông tin sáng chế

Patbase: là một cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế trực tuyến có tính phí bao gồm trên 100 triệu tư liệu sáng chế và các tài liệu liên quan của hơn 100 tổ chức, quốc gia; cơ sở dữ liệu của Patbase được cập nhật hàng tuần và công cụ tra cứu có nhiều tính năng mạnh mẽ, cho phép tra cứu sâu trong toàn văn bản mô tả.

 Patentscope: là cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế (miễn phí) của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, bao gồm khoảng 57 triệu bản mô tả sáng chế (trong đó có hơn 2,7 triệu đơn PCT).  Espacenet: là cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin sáng chế (miễn phí) của Cơ quan sáng chế châu Âu, bao gồm trên 90 triệu bản mô tả sáng chế của hơn 90 nước trên thế giới.  IP.Lib: là thư viện điện tử về sở hữu công nghiệp của Việt Nam, trong đó có cơ sở dữ liệu sáng chế bao gồm toàn bộ dữ liệu thư mục đơn và bằng sáng chế được nộp tại Việt Nam. Báo cáo này lựa chọn cơ sở dữ liệu Patbase và IPLib để tra cứu thông tin sáng chế.

4.4. Xây dựng câu lệnh tra cứu

Tra cứu thông tin sáng chế được bắt đầu bằng việc xây dựng câu lệnh tra cứu dựa trên các từ khóa và chỉ số phân loại sáng chế liên quan đến công nghệ chiếu sáng LED đã chọn. Biểu thức: #1: TAC= LED or (Light Emitting Diode) #2: IC=F21K or F21L or F21S or F21V or F21W or F21Y or C09K11 or H01L or H05B #3: #1 AND #2

4.5. Lựa chọn và đọc các tài liệu tìm được

Các biểu thức tra cứu được chạy trong cơ sở dữ liệu Patbase (MinesoftTM) và IPLib. Bằng biểu thức #1 tìm được một danh mục gồm 807.820 họ sáng chế có trong Patbase và 151 sáng chế trong IPLIB.

Tuy nhiên, tập hợp các kết quả tìm được lại bị nhiễu thông tin, tức là có phần lớn các họ sáng chế không có liên quan do dùng từ khóa “LED” hoặc “Light Emitting Diode”. Do vậy, ở bước này đã quyết định loại bỏ kết quả đó và sẽ sử dụng nó sau này khi kết hợp với các từ khóa khác hoặc kết hợp với IPC. Những tài liệu tìm được bao gồm các sáng chế không chỉ liên quan đến công nghệ chiếu sáng LED mà còn liên quan đến việc sử dụng đèn LED trong các thiết bị giao thông vận tải, các thiết bị điện, điện tử hoặc trong nông nghiệp, ngư nghiệp,v.v.. Bằng Biểu thức #2 tìm được trên 1.000.000 họ sáng chế có trong PatBase và 697 sáng chế trong IPLib.

Tuy nhiên, trong tập hợp danh mục các họ sáng chế này hầu hết các họ sáng chế yêu cầu bảo hộ về thiết bị chiếu sáng cũng như các dụng cụ bán dẫn nói chung hoặc về vật liệu phát quang. Bằng Biểu thức #3 sử dụng kết hợp từ khóa của biểu thức #1 và IPC của biểu thức #2 tìm được 266.937 họ sáng chế trong cơ sở dữ liệu Patbase và 79 sáng chế trong IPLib. Các họ sáng chế này đều có liên quan đến thiết bị chiếu sáng, cụ thể là đèn LED hoặc nói một cách khác là điốt có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại, tử ngoại nên cần được lưu lại trong hồ sơ sáng chế để phân tích.

5. Phân tích thống kê

5.1. Thống kê chung về đơn đăng ký sáng chế

Việc tra cứu sáng chế theo Biểu thức #3 đã tìm được 266.937 họ sáng chế trong PatBase. Các họ sáng chế bao gồm 188.638 đơn đăng ký sáng chế và 61.309 bằng độc quyền sáng chế đã được công bố đến tháng 12 năm 2016. Trong số 266.937 họ sáng chế này có 30.141 họ sáng chế có ít nhất một bằng độc quyền sáng chế.

Các họ sáng chế mà có các sáng chế đã được cấp Bằng độc quyền không có nghĩa là nhất định việc bảo hộ đã có hiệu lực hoặc sáng chế đó vẫn còn hiệu lực. Các Bằng độc quyền có thể không còn hiệu lực do một vài lý do như thời hạn bảo hộ đã kết thúc, không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc không qua được quá trình khiếu nại hoặc huỷ bỏ hiệu lực. Hình 2 dưới đây mô tả hoạt động đăng ký sáng chế theo thời gian. Đồ thị này thể hiện số lượng họ sáng chế (trục Y) theo thời gian nộp đơn đầu tiên (trục X). Năm này (năm ưu tiên) được chọn thay vì năm công bố, như vậy sẽ biểu thị rõ hơn các hoạt động đăng ký sáng chế do nó ít phụ thuộc vào sự thay đổi về chính sách công bố và số lượng đơn tồn đọng của các cơ quan sáng chế. Lưu ý rằng đối với những năm nộp đơn trước đây, chính sách công bố quốc gia và sự phát triển của luật sáng chế quốc gia cần phải được tính đến. Ví dụ, cho đến tháng 11 năm 2000, luật sáng chế Hoa Kỳ chỉ cho phép công bố các sáng chế Mỹ đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. Do vậy, các đơn đăng ký sáng chế Mỹ không được cấp bằng thì thực tế không bao giờ được công bố. Ngoài ra, do có độ trễ 18 tháng sau ngày nộp đơn mới công bố nên dữ liệu sau năm 2009 cũng không được đầy đủ.

5.2. Phân chia đơn đăng ký sáng chế theo chỉ số phân loại sáng chế quốc tế (IPC)

Các chỉ số phân loại sáng chế quốc tế F21V, F21Y, F21S, H01L, H05B chiếm tỷ lệ lần lượt là 21%, 14%, 14%, 19%, 9%. Phân loại F21V, F21Y, F21S liên quan đến thiết bị chiếu sáng chiếm tỷ lệ lớn trong toàn bộ dữ liệu là 49%.

5.3. Phân tích về chủ đơn

Thông qua phân tích biểu đồ, có thể nhận thấy công ty Samsung Display Co. Ltd. có số lượng đơn đăng ký sáng chế và bằng độc quyền sáng chế về công nghệ chiếu sáng LED nhiều nhất (2.727 đơn sáng chế và 1.292 bằng độc quyền sáng chế). Trong số 25 chủ đơn chính thì chủ đơn có số lượng đơn đăng ký sáng chế ít nhất là công ty Mitsubishi Electric Corp (571 đơn đăng ký sáng chế và 223 bằng độc quyền sáng chế).

5.4. Nơi nộp đơn đầu tiên

Phân tích biểu đồ đã chỉ ra Trung Quốc là quốc gia có số lượng họ sáng chế nộp đầu tiên nhiều nhất, cụ thể là 54.501 họ sáng chế trong tổng số 105.000 họ sáng chế của 25 quốc gia dẫn đầu về nơi nộp đơn đầu tiên, chiếm tỷ lệ 52%. Điều đó cho thấy Trung Quốc là nước đi đầu trong công nghệ chiếu sáng LED trên thế giới. Tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng là những nước chiếm ưu thế trong lĩnh vực này. Nơi nộp đơn đầu tiên và sự gia tăng của các đơn này có thể đưa ra một chỉ báo về nước xuất xứ của các đơn đăng ký sáng chế và động lực sáng tạo của các nước này.

5.5. Phân tích theo tác giả sáng chế

Phân tích biểu đồ cho thấy, để có một sự hiểu biết tốt hơn về nước xuất xứ và động lực sáng tạo trong các nước này thì cần phải xem xét thêm về số lượng đơn đăng ký sáng chế theo tác giả sáng chế. Trong 25 tác giả sáng chế đi đầu trong việc nộp đơn đăng ký sáng chế thì tác giả sáng chế Zhou Mingjie là người Trung Quốc có tới 614 đơn đăng ký sáng chế, tiếp theo là người Nhật Nakamura Shuji với 274 đơn đăng ký sáng chế và đứng thứ hạng cuối cùng là Melanson John có 117 đơn đăng ký sáng chế.

Zhou Mingjie cũng là tác giả sáng chế có số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp nhiều nhất (124 bằng độc quyền). Nakamura Shuji có 85 bằng độc quyền sáng chế. Như vậy tỷ lệ bằng được cấp của Zhou Mingjie là 20% và Nakamura Shuji là 30%.

5.6. Quy mô họ sáng chế trung bình theo người nộp đơn

Từ phân tích biểu đồ cho thấy công ty Phillip Lighting Holding BV (Hà Lan) có xu hướng nộp các họ sáng chế lớn hơn so với các công ty Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Qui mô họ sáng chế trung bình của công ty này là 7,24. Công ty Samsung Display Co.Ltd. (Hàn Quốc) có quy mô họ sáng chế trung bình là khoảng 3,06, công ty Panasonic Corp. của Nhật Bản là 2,33.

6. Kết luận

Bằng việc phân tích thống kê các dữ liệu từ thông tin sáng chế có thể thấy được một cách rõ ràng và đầy đủ về hoạt động đăng ký sáng chế của các nước trong đó có Việt Nam về công nghệ chiếu sáng LED. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc cũng là những nước có nhiều sáng chế và dẫn đầu về công nghệ chiếu sáng LED trên bản đồ công nghệ thế giới. Từ đó có thể biết được xu hướng công nghệ chiếu sáng LED hiện nay cũng như tìm kiếm công nghệ chiếu sáng LED phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Toàn văn báo cáo có thể tải về tại đây.

Nguồn:

http://www.noip.gov.vn/web/noip/home/vn?proxyUrl=/noip/cms_vn.nsf/(agntDisplayContent)?OpenAgent&UNID=1B175DD9509F6994472580FB002E50CC