Mỹ thuật ứng dụng là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa mỹ thuật và công dụng, đó là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời và phát triển theo sự lớn mạnh về khoa học kĩ thuật, kinh tế – văn hóa – xã hội của mỗi quốc gia. Và đây cũng là loại hình phổ biến rộng rãi nhất trong các loại hình nghệ thuật.
Mỹ thuật ứng dụng bắt đầu từ tạo dáng và những vạch trang trí trên đồ gốm cổ, những đồ dùng đan lát…
Loại hình của mỹ thuật ứng dụng cũng khá đa dạng, tại Việt Nam thì có bốn loại hình chính sau: Mỹ thuật sản phẩm như đồ gốm, đồ sơn, đồ dệt, đồ gỗ, tạo dáng công nghiệp…; Đồ họa ứng dụng như trang trí bao bìa, quảng cáo hàng hóa, đồ họa ấn loát, tem thư, tiền giấy; Mỹ thuật môi trường như trang trí nội thất, ngoại thất; Mỹ thuật sân khấu – điện ảnh là các thiết kế mỹ thuật trong lĩnh vực phim ảnh và sân khấu, phục trang, đạo cụ…
Tuy nhiên, cho tới giờ, mỹ thuật ứng dụng vẫn chưa có một văn bản nào định nghĩa một cách chính xác. Dưới đây là một số các khái niệm đưa ra tham khảo:
Trong cuốn “Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam” nói: “Mỹ thuật ứng dụng là nghệ thuật áp dụng sản xuất công nghiệp để cho ra những sản phẩm mỹ thuật phục vụ đời sống” hay “Mỹ thuật ứng dụng là những tấm tranh, phù điêu, đường diềm, thảm…trang trí cho một công trình hoặc ứng dụng cho một công việc cụ thể nào đó”.
Theo Điều 15.2 Nghị định 100/2006/NĐ-CP viết rằng: “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm; bao bì sản phẩm”.
Như vậy, mỹ thuật ứng dụng chưa được định nghĩa một cách tổng quát và chính xác nhất cho các khía cạnh. Chúng ta có thể hiểu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là hình thức thể hiện bên ngoài có thể nhìn thấy bằng mắt thường được gắn vào một đồ vật có công dụng hữu ích. Từ đó để phân biệt được tác phẩm mỹ thuật đơn thuần mang tính nghệ thuật là được thể hiện trên một vật liệu xác định chỉ nhằm mục đích thưởng thức, trưng bày.