Tạm ngừng giao dịch đất đai Vân Đồn: Thị trường sẽ xuất hiện giao dịch chui

0
392

Trong bài “Tạm ngừng giao dịch đất đai Vân Đồn: Thị trường sẽ xuất hiện giao dịch chui” đăng trên Báo Cafef, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Việc dừng chuyển nhượng đất đai trên địa bàn Vân Đồn sẽ xuất hiện những trường hợp chuyển nhượng bất hợp pháp, chuyển nhượng chui bằng giấy viết tay. Nếu tình trạng này xảy ra trên diện rộng sẽ gây bất ổn tình hình kinh tế xã hội.

Mới đây, trên cổng thông tin của tỉnh Quảng Ninh có thông tin: ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn.

Theo lãnh đạo Quảng Ninh, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc “sốt” giá đất tại Vân Đồn, đồng thời, ngăn chặn kịp thời cơn sốt đất đang càn quyét mạnh mẽ tại đây.

Đánh giá ảnh hưởng nếu quy định này được chính thức ban hành, một nhà đầu tư lớn tại Vân Đồn cũng cho biết việc dừng chuyển nhượng đất đai trên địa bàn Vân Đồn sẽ gây ra nhiều huệ lụy cho thị trường. Thứ nhất, nhu cầu mua bán của người dân vẫn rất lớn, nếu cấm sẽ xuất hiện những trường hợp chuyển nhượng bất hợp pháp, chuyển nhượng chui bằng giấy viết tay. Nếu tình trạng này xảy ra trên diện rộng sẽ gây bất ổn tình hình kinh tế xã hội.

“Bên cạnh đó, việc dừng chuyển đổi đất đai sẽ khiến các nhà đầu tư không còn thấy triển vọng tại Vân Đồn, họ sẽ dồn tiền về các khu vực khác để đầu tư. Như vậy, một khi Vân Đồn thông qua đặc khu, thì lúc đó dòng vốn của các nhà đầu tư đã bị phân tán sang các thị trường khác, việc gọi vốn về cũng sẽ không còn dễ dàng như trước đây “, nhà đầu tư này cho biết.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng việc dừng các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất như thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại huyện Vân Đồn rõ ràng là không hợp pháp. bởi ba lý do.

Thứ nhất, quyền sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp là quyền tài sản, quyền hiến định, không thể bị xâm phạm. Cũng theo các quy định của Luật đất đai và Bộ luật dân sự thì khi người dân đã có quyền sử dụng đất một cách hợp pháp, họ có quyền định đoạt quyền của mình.

Thứ hai, nếu UBND tỉnh ra một Quyết định tạm ngừng giao dịch thì theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một quyết định của UBND không thể trái với nội dung của các luật liên quan trực tiếp đến vấn đề này, đó là luật đất đai và bộ luật dân sự”, ông Hà cho biết.

Thứ ba, với lý do là để tránh tình trạng sốt đất mà ngừng giao dịch thì cũng không hợp lý, một quyết định mà giải quyết một vấn đề cụ thể lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân khác trên địa bàn là không hợp lý, ảnh hưởng tới quyền tài sản của người dân.

Cùng quan điểm với ông Hà, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng các nơi được quy hoạch phát triển là đô thị, đặc khu thì có thể giá đất tăng cũng là đúng quy luật. Vì thế mà có những người dựa vào điểm này để buôn bán, lướt sóng để đầu cơ đẩy giá đất lên cao, tạo sốt đất ảo.

“Việc cơ quan quản lý nhà nước ban hành lệnh cấm chuyển nhượng đất có thể là một giải pháp hữu hiệu ngăn sốt ảo, nhưng giải pháp này lại không phù hợp pháp luật. Theo quy định của pháp luật về đất đai của Việt Nam thì quyền chuyển nhượng chỉ bị cấm khi Nhà nước đã ban hành quyết định thu hồi đất”, ông Võ nhấn mạnh.

Theo ông Võ, vấn đề là phải công khai quy hoạch và những nơi nào thu hồi đất để giao cho dự án đầu tư, khu vực nào phát triển nông nghiệp… Từ đó, mọi người đều hiểu rõ đất nào có thể sinh lợi khi nhận chuyển nhượng và đất nào không thể.

Nguồn: http://cafef.vn/tam-ngung-giao-dich-dat-dai-van-don-thi-truong-se-xuat-hien-giao-dich-chui-20180505091721245.chn