Thẩm quyền của tòa giải quyết tranh chấp tài sản trong hôn nhân

0
555

Trong vụ li hôn ồn ào của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, và vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ngoài những tranh chấp số tài sản tiền vàng, đất đai tích lũy của 20 vợ chồng trong 20 năm hôn nhân, vấn đề dư luận quan tâm đặc biệt là việc phân chia cổ phần sở hữu tại Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên và các công ty trực thuộc tập đoàn này thế nào.

Tại phiên tòa ngày 27/3, bên cạnh chấp nhận li hôn, thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng, Hội đồng xét xử tuyên ông Vũ hưởng 60% số tài sản chung, 40% còn lại thuộc về bà Thảo. Tỉ lệ 60/40 này được chia trên số cổ phần chung tại các doanh nghiệp. Riêng 13 bất động sản trị giá khoảng 750 tỉ đồng và tiền vàng tích lũy có giá trị 1.764 tỉ đồng được chia đôi.

Dư luận đang đặt dấu hỏi tòa căn cứ vào quy định pháp luật nào để xác định phần tài sản của ông Vũ là 60%, bà Thảo 40%. Và việc phân chia như vậy có đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên hay không?

  1. Thưa luật sư, vụ li hôn của vợ chồng “đế chế cà phê Trung Nguyên là một vụ xử hôn nhân đặc biệt. Việc li hôn đã được phân xử theo Luật Dân sự, vậy việc phân chia cổ phần thì nên tuân theo luật nào?

Trả lời:

Thông thường, trong các vụ án giải quyết ly hôn, cơ quan có thẩm quyền xét xử, cụ thể là tòa án sẽ xem xét và đưa ra phán quyết giải quyết 3 vấn đề chính trong vụ án: thứ nhất là quan hệ tình cảm; thứ hai là vấn đề nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng và thứ ba là quan hệ tài sản của vợ, chồng.

Với hai vấn đề là quan hệ tình cảm và quyền nuôi con, việc giải quyết thông thường sẽ được căn cứ vào những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Với quan hệ tài sản, việc giải quyết thường căn cứ vào Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về việc giải quyết phân chia cổ phần trong vụ việc trên, do cổ phần cũng được xác định là tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, vì cổ phần là một loại tài sản đặc thù, gắn liền với quyền và nghĩa vụ của các cổ đông liên quan đến việc quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp. Do đó, việc phân chia cổ phần còn cần phải được căn cứ vào quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

  1. Theo luật sư, Tòa án Nhân dân TP HCM có nên tách ra xử riêng việc phân chia cổ phần hay không? Đồng thời, việc tòa xử như vậy có ảnh hưởng đến những cổ đông khác như thế nào?

Trả lời:

Như tôi đã đề cập, đối với việc giải quyết một vụ án ly hôn, Tòa án nhân dân có thẩm quyền cần giải quyết được 3 vấn đề là quan hệ tình cảm, tài sản và con cái. Vì cổ phần của các đương sự trong vụ án này được xác định là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, gắn với quan hệ hôn nhân của các đương sự, do đó, không thể tách vấn đề giải quyết việc phân chia cổ phần riêng khỏi vụ án giải quyết ly hôn trong trường hợp này được.

Về quyền lợi của các cổ đông khác, việc giải quyết vụ án ly hôn này không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện tại của các cổ đông khác trong công ty. Do đó, về cơ bản, quyền lợi của các cổ đông khác không trực tiếp bị ảnh hưởng từ vụ việc này.

Tuy nhiên, vì các đương sự trong vụ việc ly hôn này là những cổ đông lớn của Công ty, do đó, việc phân chia cổ phần theo phán quyết của tòa án có thể ảnh hưởng nhất định đến chiến lược quản lý, điều hành công ty, qua đó tác động đến tình hình kinh doanh của công ty.

Điều này có thể ảnh hưởng một các gián tiếp đến một số quyền lợi nhất định của các cổ đông khác, như quyền nhận cổ tức của cổ đông.

  1. Tranh chấp cổ phần thuộc thẩm quyền xử của tòa án nào, thưa ông?

Trả lời:

Đối với các tranh chấp về cổ phần được xác định là tranh chấp về kinh doanh thương mại, theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, những vụ án này thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thông thường là nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi bị đơn có trụ sở.

Trân trọng cảm ơn luật sư.