Hệ lụy từ việc kết hôn khi chưa đủ tuổi và những vấn đề Pháp lý liên quan

0
1165

Pháp luật hiện nay quy định một trong những điều kiện để kết hôn là nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thực trạng kết hôn khi chưa đủ tuổi vẫn còn diễn ra tương đối nhiều. Vậy việc kết hôn khi chưa đáp ứng điều kiện luật định sẽ có ảnh hưởng gì? Pháp luật điều chỉnh vấn đề này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài phỏng vấn dưới đây của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật TNHH SB Law:

Phóng viên (PV): Trên thực tế trong thời gian qua rất nhiều những câu chuyện bi – hài như vợ kiện chồng, cha mẹ vợ kiện con rể … Các trường hợp này đều có một điểm chung đó là xuất phát từ việc kết hôn trái pháp luật khi chưa đủ tuổi theo quy định. Luật sư đánh giá như thế nào về thực trạng này trong thời gian qua?

Luật sư: Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là hành vi lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
Trong đó điểm a, khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tuổi kết hôn là Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Như vậy, có thể thấy tảo hôn là hành vi hai bên nam nữ kết hôn với nhau khi một hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật, cụ thể, nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi.
Tảo hôn khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Theo kết quả điều tra thực trạng KT-XH của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014 (26,6%). Theo dân tộc, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%).
Tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Tình trạng tảo hôn của người DTTS năm 2018 đã giảm so với năm 2014, tuy nhiên, vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Trong 6 vùng kinh tế-xã hội, Tây Nguyên vẫn tiếp tục có tỷ lệ tảo hôn cao nhất năm 2018 là 27,5% (giảm 2,1% so với năm 2014); tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% (giảm 5,1% so với năm 2014) và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 22,4% (giảm 3,2% so với năm 2014). Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người DTTS tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%).
Như vậy, có thể thấy thực trạng tảo hôn ở Việt Nam hiện nay đã có xu hướng giảm, tuy nhiên so với mục tiêu trong Quyết định 498/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025” là “giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cao” thì kết quả trên còn chậm và chưa đạt yêu cầu.

PV: Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi có thể đem lại những hệ lụy về Pháp lý gì, thưa Luật sư?

Luật sư: Hậu quả pháp lý của vấn đề kết hôn khi chưa đủ tuổi là: huỷ kết hôn trái pháp luật và phân chia tài sản với trường hợp không đăng ký kết hôn, xử phạt vi phạm hành chính và thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự với mức độ nặng hơn.
– Huỷ kết hôn trái pháp luật:
Với trường hợp tảo hôn có đăng ký kết hôn thì việc kết hôn đó là trái pháp luật và có thể bị hủy khi có yêu cầu của những người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. Và theo thủ tục Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án có thẩm quyền xem xét về điều kiện độ tuổi khi kết hôn để xử lý. Việc kết hôn sẽ bị hủy nếu như tại thời điểm xem xét yêu cầu hủy kết hôn, một trong hai bên không đủ điều kiện về độ tuổi hoặc một trong hai bên không yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân đó.
– Bên cạnh việc huỷ hôn trái pháp luật, trong trường hợp hai người có tài sản thì phải phân chia tài sản theo Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
+ Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Như vậy chế độ tài sản sẽ được giải quyết theo thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ gải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc các quy định có liên quan khác của pháp luật.
– Xử phạt vi phạm hành chính:
Đây là một trong những chế tài mà nhà nước áp dụng với hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi kết hôn khi chưa đủ tuổi.
Đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Như vậy, với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi mặc dù đã có quyết định của Toà án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó hoặc tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn đều bị xử phạt hành chính.

– Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định về Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn nhưng đến Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ quy định về tội tảo hôn. Tuy nhiên, vẫn có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự về tôi tổ chức tảo hôn. Cụ thể:
Điều 183 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội tổ chức cho người chưa đủ tuổi kết hôn như sau:
“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”
Như vậy, theo quy định này, hành vi tổ chức tảo hôn bị xử lý hình sự khi người thực hiện hành vi tổ chức hành vi lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ điều kiện về độ tuổi để kết hôn đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm. Theo đó, mức xử phạt được quy định là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

PV: Vậy trong  Luật Hôn nhân gia đình hiện nay thì điều kiện để được kết hôn là như thế nào và độ tuổi kết hôn được quy định cụ thể ra sao?

Luật sư: Căn cứ Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều kiện để được kết hôn và độ tuổi được kết hôn quy định cụ thể như sau:
1. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
3. Hai người không bị mất năng lực hành vi dân sự;
4. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Dẫn chiếu đến Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 5 của Luật này quy định các trường hợp sau:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

PV: Trường hợp 01 bên nam hoặc nữ hoặc cả 02 bên nam và nữ bị gia đình cưỡng ép kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn hoặc bị lừa dối kết hôn thì ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đó thưa luật sư?

Luật sư: Theo Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này, cụ thể là khi bị gia đình cưỡng ép kết hôn.
2. Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này, cụ thể là kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn; một trong hai hoặc cả hai bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này là cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

PV: Liên quan đến nội dung này, chúng tôi có nhận được thắc mắc của thính giả tên Lê Văn Nam ở Hưng Yên với nội dung như sau: Em trai tôi năm chưa đủ 16 được sự đồng ý của hai bên gia đình đã kết hôn với một người con gái cùng tuổi (chưa đủ 16 tuổi) nhưng theo giấy khai sinh thì chưa đủ 15 tuổi và sinh được 1 bé gái. Nay hai người đủ tuổi kết hôn và đã làm xong giấy chứng nhận kết hôn rồi. Những lúc gần đây hai người có xẩy ra xích mích, em dâu tôi có y định kiện em trai tôi ra tòa về tội giao cấu trẻ em dưới 16 tuổi. Vậy tôi xin hỏi em dâu tôi làm vậy có đúng ko? Nếu em dâu tôi đi kiện thì em trai tôi có bị kết án ko? Nếu có thì thời gian là bao lâu?

Luật sư: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, chủ thể có thể bị xử lý theo tội này là người đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Vào thời điểm em dâu bạn dưới 16 tuổi (tính tuổi theo giấy khai sinh) thì em trai bạn cũng chưa đủ 18 tuổi nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

PV: Tiếp theo là câu hỏi của một thính giả xin được giấu tên ở Hải Dương với nội dung như sau: Con tôi có quen và yêu một thanh niên 21 tuổi cùng xóm nay lỡ có bầu được 4 tháng. Hiện con gái tôi chưa đủ 16 tuổi. Nếu tôi tổ chức cho hai đứa kết hôn thì có phạm luật không? Trong trường hợp gia đình tôi khởi kiện thì chàng thanh niên kia sẽ phải chịu mức án như thế nào?

Luật sư: Điểm b khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cấm hành vi tảo hôn. Vậy nên việc bạn tổ chức hôn lễ cho người chưa đến tuổi kết hôn là trái với quy định pháp luật. Người tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Trong trường hợp gia đình khởi kiện, cậu thanh niên có thể bị truy tố với Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 với tình tiết tăng nặng là làm nạn nhân có thai, cậu thanh niên có thể chịu khung hình phạt từ 03 đến 10 năm tù, đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo khoản 2, khoản 4 Điều 145 Bộ Luật hình sự 2015.

Tuy nhiên, tội này không thuộc các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại theo Điều 155 BLTTHS 2015, nên nếu cơ quan có thẩm quyền có thông tin về tội phạm, người này có thể bị điều tra và khởi tố, không phụ thuộc vào việc gia đình có kiện hay không.

PV: Vậy chế tài xử lý với hành vi tổ chức việc kết hôn khi chưa đến tuổi kết hôn được quy định như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư: Hiện nay, hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đến tuổi kết hôn có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Khoản 1 Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
Đối với hành vi tổ chức kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 183 Bộ luật hình sự 2015 về Tội tổ chức tảo hôn. Theo đó, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

PV: Vậy còn việc kết hôn trái Pháp luật được quy định thế nào thưa luật sư? Chúng tôi có nhận được câu hỏi của một thính giả, thắc mắc về việc bạn này 22 tuổi va bạn gái của bạn 16 tuổi nhưng họ không đăng ky kết hôn mà chỉ tổ chức lễ cưới hỏi theo phong tục truyền thống thì có phải là kết hôn trái pháp luật hay không?

Luật sư: Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, “kết hôn trái pháp luật” là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật này.
Có thể hiểu kết hôn trái pháp luật bao gồm các trường hợp như: nam, nữ kết hôn với nhau mà không đáp ứng điều kiện về độ tuổi tối thiểu, không xuất phát từ sự tự nguyện của các bên, một trong hai hoặc cả hai mất năng lực hành vi dân sự hoặc thuộc các trường hợp bị cấm như kết hôn giả tạo, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, …
Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 2, 3, 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HN&GĐ. Theo đó, Tòa án là chủ thể có thẩm quyền xử lý và nếu xác nhận đúng trường hợp kết hôn trái pháp luật thì sẽ ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật, hai bên phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
Đối với trường hợp của thính giả trên, việc bạn và bạn gái không đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức cưới hỏi theo phong tục truyền thống thì không thể gọi là kết hôn trái pháp luật vì bạn và bạn gái bạn chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

PV: Vậy trong trường hợp cả người vợ và người chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn, nghĩa là kết hôn trái pháp luật thì đứa con do cặp vợ chồng này sinh ra sẽ như thế nào? Liệu cháu bé có được hưởng đầy đủ các quyền lợi như những trẻ em bình thường khác không, thưa luật sư?

Luật sư: Trong trường hợp này, cả người vợ và người chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã đăng ký kết hôn do đó đây là hành vi kết hôn trái pháp luật.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, việc xử lý kết hôn trái pháp luật sẽ được tiến hành như sau:
Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.
Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì thực hiện như sau:
a) Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
b) Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Trường hợp quyết định theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản này thì Tòa án áp dụng quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật.
Theo đó, Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
– Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
– Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
Như vậy, quyền lợi của các con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ mà đều có quyền lợi như những đứa trẻ bình thường khác.