Bố mẹ kết hôn lại nhưng ông bà không cho đón con về sống chung ?

0
659

Câu hỏi: Chào Luật sư, cách đây 1 năm hai vợ chồng chúng tôi ly hôn, quyết định Toà án con dưới 36 tháng tuổi được người mẹ nuôi dưỡng và chăm sóc. Đến nay hai vợ chồng chúng tôi đã đăng ký kết hôn lại nhưng bà ngoại và gia đình bên ngoại vẫn ngăn cản không cho đón con. Luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này với ạ.

Luật sư tư vấn

  1. Cơ sở pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014;
  • Luật phòng chống, bạo lực gia đình 2007;
  • Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
  1. Nội dung tư vấn

Sau khi ly hôn, vợ bạn trực tiếp chăm sóc con dưới 36 tháng tuổi nên được xem là người trực tiếp nuôi con, còn bạn được xem là người không trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Như vậy, chỉ có cha, mẹ mới là người trực tiếp nuôi con, nếu như không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng thì anh, chị, em ruột có trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng nhau. Trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không đủ điều kiện mà không có anh, chị, em có đủ điều kiện thì ông bà nội, ông bà ngoại có trách nhiệm có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

Theo đó, quyền trực tiếp nuôi dưỡng của ông bà chỉ đặt ra khi trẻ em chưa thành niên không có cha, mẹ, anh, chị, em ruột có đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng. Trong trường hợp thông thường, ông bà chỉ có quyền chăm sóc, trông nom, giáo dục cháu, chứ không có quyền tranh chấp quyền nuôi dưỡng trực tiếp với cha, mẹ.

Hơn nữa, hiện tại hai bạn đã thực hiện đăng kí kết hôn lại nên quan hệ vợ chồng bạn được xác lập lại, hai người đều trở lại là người trực tiếp nuôi con.

Căn cứ theo điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007, thì: “1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: … d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”; “2. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên của gia đình vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng kí kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.” Theo đó, hành vi của gia đình bên ngoại được xem như một hành vi bạo lực gia đình.

Như vậy, khi hai bạn kết hôn trở lại việc bà ngoại và gia đình bên ngoại ngăn cản không cho bạn đón con về sống chung cùng vợ chồng là trái với quy định của pháp luật. Vì thế bạn có thể tham khảo các cách giải quyết như sau:

Thứ nhất, giải quyết thông qua sự trao đổi, thỏa thuận giữa hai bên. Đây là cách giải quyết nhẹ nhàng nhất, đặc biệt với người thân thiết như vậy trong gia đình.

Thứ hai, nếu tình hình quá khó khăn, căng thẳng đến mức không thể thỏa thuận với nhau, thì bạn cần nhờ đến sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp này, đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau, căn cứ theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, thì người ngăn cản có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.