Theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ – CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các cơ quan sau đây có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
1. Thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt mọi hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
2. Thanh tra Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm về đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
3. Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại thị trường trong nước trong việc:
+ Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý;
+ Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.
b) Hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước, đối với các hành vi:
+ Vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
+ Vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra;
+ Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp;
+ Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
4. Hải quan có thẩm quyền xử phạt trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa đối với hành vi:
– Vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
– Vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra
– Xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí
– Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp
– Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý
– Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo
– Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
5. Công an có thẩm quyền xử phạt hành vi:
– Vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra;
– Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý;
– Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương.