Thành lập công ty liên doanh để thực hiện quyền bán lẻ sản phẩm lốp xe ô tô.

0
408

Nhà đầu tư hỏi: Chúng tôi là công ty Việt Nam cùng nhà đầu tư Nhật Bản dự kiến thành lập công ty liên doanh tại thành phố Hà Nội để thực hiện quyền bán lẻ sản phẩm lốp xe ô tô và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật bao gồm lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng ô tô cho các khách hàng mua các sản phẩm do Công ty phân phối, vậy thủ tục pháp lý như thế nào?

Luật sư trả lời: Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi tư vấn như sau:

1.Quy định thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Việc thành lập Công ty có vốn đầu tư nước ngoài (Sau đây gọi tắt là “FIC”) tại Việt Nam đòi hỏi Nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra dự án đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tùy thuộc vào địa điểm hoạt động của Công ty, cơ quan cấp phép có thể là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các công ty nằm ngoài các Khu công nghiệp hoặc các Khu chế xuất) hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất (đối với các Công ty nằm trong các Khu công nghiệp và Khu chế xuất).

Chúng tôi cũng lưu ý rằng, thủ tục thành lập FIC tại Việt Nam thường kéo dài lâu hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Kinh nghiệm thực tế của chúng tôi cho thấy rằng, mặc dù thời gian để cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Luật đầu tư củaViệt Nam là 45 ngày, trên thực tế, quy trình cấp phép có thể kéo dài hơn do cơ quan cấp phép phải tiến hành tham vấn ý kiến của các bộ ngành có liên quan.

Đối với các dự án đầu tư có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng trở lên, Nhà đầu tư có nghĩa vụ phải lập Báo cáo giải trình tính khả thi của dự án đầu tư.

Thông thường, khả năng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho một FIC thường được dựa trên các yếu tố cơ bản như sau:

  1. Lộ trình mở cửa thị trường theo quy định tại cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, khung quy định pháp lý của các Luật đầu tư Việt Nam, Luật doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan đến từng ngành nghề cụ thể cũng như quy hoạch phát triển kinh tế tại các thành phố, tỉnh nơi FIC đặt trụ sở.
  2. Khả năng tài chính, vốn đầu tư của dự án, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ cho việc thực hiện Dự án đầu tư tại Việt Nam.

Đối với trường hợp này, chúng tôi lưu ý rằng, lĩnh vực bán lẻ lốp ô tô và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho Khách hàng bao gồm bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô cho các khách hàng sử dụng các sản phẩm của Công ty không thuộc diện áp dụng mức vốn đầu tư tối thiểu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi từ các trường hợp tương tự khác, mức vốn đầu tư tối thiểu trong trường hợp này nên từ 350-500,000USD.

Đối với việc thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô, Quý Khách hàng cần phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện tối thiểu về cơ sở  bảo trì bảo dưỡng ô tô theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:

– Mặt bằng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô bao gồm: mặt bằng tổng khu vực và mặt bằng nhà xưởng.  Mặt bằng tổng thể khu vực bao gồm: các công trình xây dựng (nhà xưởng, nhà kho, nhà điều hành), đường giao thông nội bộ, nơi đỗ xe, nơi trồng cây xanh, cổng ra vào, hàng rào bảo vệ phải được cung cấp điện, nước đầy đủ, có hệ thống thoát nước, có đường ra vào thuận tiện cho các phương tiện đảm bảo an toàn giao thông;

– Mặt bằng nhà xưởng bao gồm các diện tích phục vụ trực tiếp công việc bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô, phải được bố trí đầy đủ cho các công việc bảo hành, bảo dưỡng có liên quan và có diện tích tối thiểu là 300 m2;

– Nhà xưởng dịch vụ kỹ thuật phải được xây dựng chắc chắn, có mái che, cửa ra vào thuận tiện phù hợp với loại xe ôtô vào bảo hành, bảo dưỡng;

– Các thiết bị dụng cụ kiểm tra và đo lường phải được hiệu chỉnh kiểm định; Các thiết bị có truyền động nhất thiết phải có bộ phận che chắn an toàn.

– Các trang thiết bị phải đáp ứng quy định tối thiểu: (i) Đối với bảo dưỡng ắc quy:  Thiết bị kiểm tra ắc quy; Thiết bị đo nồng độ dung dịch; Bộ đồ sạc ắc quy. (ii) Đối với bảo dưỡng xe ôtô: Bộ dụng cụ đồ nghề cho các loại xe; Kích nâng hoặc mễ kê; Các dụng cụ chuyên dùng tháo, lắp; Các loại thiết bị kiểm tra hệ thống điện; Các thiết bị kiểm tra hệ thống nhiên liệu; Các thiết bị kiểm tra bảo dưỡng hệ thống điều hòa; Các thiết bị kiểm tra chẩn đoán và đánh giá tổng hợp tình trạng kỹ thuật của xe (chẩn đoán tình trạng động cơ, đo độ chụm bánh xe dẫn hướng, kiểm tra phanh, đèn pha); Bơm phun nước, máy nén khí, bơm lốp và phun sơn;

– Người điều hành cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp trung cấp cơ khí ôtô hoặc tương đương, có ít nhất là 5 năm kinh nghiệm, hoặc phải là thợ cơ khí ôtô bậc 5/7 trở lên. Thợ sửa chữa làm việc tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải qua đào tạo và có chứng chỉ đào tạo nghề tương ứng.

– Người sử dụng thiết bị phải được huấn luyện sử dụng thiết bị. Phải có ít nhất 01 thợ cơ khí ôtô từ bậc 5/7 trở lên hoặc tương đương. Các công việc kiểm ra, lắp ráp, điều chỉnh phải do thợ cơ khí ôtô có trình độ tối thiểu từ 3/7 trở lên hoặc tương đương thực hiện.

– Các công nhân làm nhiệm vụ thử xe phải có giấy phép lái xe phù hợp.

– Có hệ thống thu gom, lưu giữ các chất thải, không gây ảnh hưởng môi trường. Có biện pháp giảm thiểu bụi khí thải, hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt ảnh hưởng xung quanh. Đảm bảo các quy định hiện hành về phòng chống cháy, nổ, vệ sinh, an toàn lao động và không gây cản trở giao thông công cộng.

– Sau khi kiểm tra bảo hành, bảo dưỡng, các tổng thành, hệ thống của phương tiện phải đảm bảo làm việc bình thường, đúng chức năng theo thiết kế của nhà sản xuất. Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe có trách nhiệm chạy thử xe và bảo đảm yêu cầu nêu trên cho khách hàng.

– Các phương tiện xuất xưởng sau khi bảo hành, bảo dưỡng phải có biên bản giao xe có ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 02 tháng hoặc 1500 km xe chạy, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng.

2.Về thủ tục cấp phép thành lập

Trong trường hợp này, việc xin phép thành lập FIC để thực hiện quyền nhập khẩu mỹ phẩm sẽ được thực hiện theo lộ trình với các bước như sau:

a.Chuẩn bị hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Chúng tôi sẽ thu thâp thông tin và tài liệu cần thiết từ Quý Khách hàng. Sau khi nhận được thông tin cần thiết từ Quý Khách hàng, chúng tôi sẽ dịch tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt (nếu cần thiết) và chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật cũng như theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Hồ sơ đăng ký sẽ được gửi tới Quý Khách hàng để rà soát và cho ý kiến nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung trong hồ sơ đăng ký. Sau khi cập nhật hồ sơ dựa trên ý kiến của Quý Khách hàng, chúng tôi sẽ xin ý kiến sơ bộ của của cơ quan chức năng về hồ sơ đăng ký. Cuối cùng, chúng tôi sẽ gửi toàn bộ hồ sơ để Quý Khách hàng ký. Thời hạn để hoàn tất bước này dự kiến 20 ngày làm việc.

b. Thủ tục trước cấp phép: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và tài liệu đã ký của Nhà đầu tư, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tùy thuộc vào danh mục cụ thể các sản phẩm mỹ phẩm dự kiến nhập khẩu, cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ có thể gửi công văn xin ý kiến thẩm tra của các Bộ ngành liên quan, bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ công thương, Bộ giao thông vận tải và Bộ tài chính. Thời gian để hoàn tất các thủ tục thẩm tra đến khi cấp phép có thể kéo dài từ 3-4 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ lên cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ.

c. Thủ tục sau cấp phép: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi sẽ hoàn thành thủ tục sau cấp phép như đăng bố cáo thành lập FIC, đăng ký mã số thuế, đăng ký con dấu.