Theo quy định tại điều 342 BLDS 2005 thì: “Thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp mà không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”. Thế chấp tài sản có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, thế chấp tài sản là thỏa thuận phái sinh mang tính bổ sung cho nghĩa vụ chính. Nó không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc và gắn liền với nghĩa vụ chính mà nó bảo đảm.
Thứ hai, mục đích của thế chấp tài sản là nhằm bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ, qua đó thúc đẩy người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thứ ba, đối tượng của thế chấp tài sản là tài sản trừ trường hợp đặc biệt pháp luật có quy định khác.
Thứ tư, phạm vi bảo đảm của thế chấp tài sản không vượt quá nghĩa vụ đã được xác định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ chính, tài sản dùng để thế chấp chỉ bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận.
Thứ năm, chỉ xử lý tái sản thế chấp khi có sự vi phạm nghĩa vụ, tức là khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tài sản thế chấp được xử lý theo phương thức các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ.
Ngoài ra, thế chấp tài sản còn có một đặc trưng riêng biệt, đó là bên thế chấp không phải chuyển giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.
Một số vấn đề pháp lý của việc thế chấp tài sản
1. Chủ thể của thế chấp tài sản:
– Chủ thể của biện pháp thế chấp tài sản bao gồm bên thế chấp và bên nhận thế chấp. Trong đó, bên thế chấp là bên có nghĩa vụ, bên này dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; bên nhận thế chấp là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ và được đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Nếu các bên có thỏa thuận thì sẽ xuất hiện thêm chủ thể thứ ba giữ tài sản thế chấp.
– Các chủ thể của thế chấp tài sản phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp. Ngoài đáp ứng yêu cầu nêu trên, các chủ thể này còn cần phải thỏa mãn một số điều kiện: (i) bên thế chấp phải thế chấp bằng tài sản thuộc sở hữu của mình; (ii) các chủ thể phải đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực chủ thể.
2. Tài sản thế chấp:
– Có thể hiểu tài sản thế chấp bao gồm vật, quyền, giấy tờ có giá, có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Ngoài tài sản thế chấp là vật chính thì còn có thể có một số tài sản kèm theo như vật phụ của tài sản thế chấp, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thế chấp, và giá trị của tiền bảo hiểm của tài sản thế chấp.
– Tùy theo từng trường hợp khác nhau mà các bên có thể thỏa thuận dùng toàn bộ hoặc một phần tài sản để thế chấp. Nếu người có nghĩa vụ dùng toàn bộ một bất động sản để thế chấp thì các vật phụ của bất động sản cũng thuộc tài sản thế chấp. Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Khi đối tượng thế chấp là một tài sản được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuôc tài sản thế chấp. Tuy nhiên, bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng thế chấp; khi ấy, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ chi trả tiền trực tiếp cho bên nhận thế chấp, ngược lại, nếu không thông báo thì bên bảo hiểm chi trả tiền theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp. Hoa lợi, lợi tức có thể được từ tài sản thế chấp chỉ thuộc tài sản thế chấp khi các bên có thỏa thuận hoặc trong những trường hợp pháp luật có quy định.
3. Hiệu lực của thế chấp:
Hiệu lực của thế chấp tài sản bao gồm hiệu lực của hợp đồng thế chấp và hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Pháp luật dân sự đã coi giao dịch thế chấp tài sản là một loại hợp đồng, với tên gọi hợp đồng thế chấp. Thời điểm giao kết hợp đồng phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. Hiệu lực của hợp đồng thế chấp phát sinh theo 03 trường hợp sau:
– Một là, hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết.
– Hai là, hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực theo thỏa thuận khác của các bên.
Ngoài hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản, luật còn quy định hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Hiệu lực đối kháng với người thứ 3 phát sinh kể từ thời điểm đăng ký.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong thế chấp tài sản:
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong thế chấp tài sản sẽ bao gồm:
– Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp.
– Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.
– Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Theo đó, các bên trong quan hệ thế chấp tài sản có quyền và nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật dân sự nêu trên, nếu xảy ra vi phạm sẽ phát sinh hậu quả pháp lý tương ứng.
5. Về xử lý tài sản thế chấp:
Phương thức xử lý tài sản bảo đảm gồm 03 phương thức chính là: (i) bán đấu giá, (ii) bên nhận bảo đảm tự bán tài sản, (iii) bên nhận bảo đảm tự nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Bên cạnh đó còn cho phép phương thức khác, có thể là do các bên tự thỏa thuận với nhau về phương thức xử lý tài sản bảo đảm. Bên nhận thế chấp có quyền được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp sau khi trừ cho phí bảo quản và các chi phí liên quan khác.
Trong trường hợp không có thỏa thuận, tài sản sẽ được bán đấu giá.
6. Chấm dứt việc thế chấp:
Việc thế chấp tài sản được coi là chấm dứt khi tài sản đã được xử lý, việc thế chấp bị hủy bỏ hay đã được thay thế bằng một biện pháp bảo đảm khác. Ngoài ra, nếu nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp đã được thực hiện xong thì biện pháp thế chấp đó đương nhiên được coi là chấm dứt.