“Thổi phồng” công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ bị xử lý như thế nào?

0
554

Trong thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn liên quan đến các khía cạnh pháp lý trong vụ việc này. SB Law trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài phỏng vấn dưới đây:

PV: Thời gian qua, có một số sản phẩm bảo vệ sức khoẻ “lập lờ” là sản phẩm “thuốc” có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid -19. Cụ thể, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ Viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương và sản phẩm Xuyên Tâm Liên được cho là của Trung tâm Dược liệu quốc gia Việt Nam, được quảng cáo trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông để thu hút người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biết hết sức phức tạp. Trong khi theo các cơ quan của chức năng của Bộ Y tế hiện nay chưa có sản phẩm bảo vệ sức khoẻ nào, thuốc nào được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ, hay điều trị hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm Covid 19. Như vậy chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành thì các cá nhân, tổ chức thực hiện việc quảng cáo như trên đã vi phạm các điều, khoản cụ thể nào? Và phải chịu các hình thức xử lý như thế nào theo quy định của pháp Luật?

Luật sư: Những cá nhân, tổ chức thực hiện việc quảng cáo như trên đang vi phạm quy định tại Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.” Việc quảng cáo các thông tin rằng những sản phẩm như Xuyên Tâm Liên có thể hỗ trợ hay điều trị hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm Covid 19 mà không có chứng nhận của cơ quan chức năng là đang quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm.

Hành vi này có thể bị xử phạt theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ – CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Ngoài ra, có thể áp dụng một số hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng; Các biện khắc phục hậu quả như: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; Buộc cải chính thông tin.

PV: Ngoài việc quảng cáo có phần thổi phồng công dụng, tác dụng đối với bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Sản phẩm Viên nang Kovir và sản phẩm Nobel của của Công ty CP Sao Thái Dương cũng tăng giá bán gấp nhiều lần trước thời điểm Bộ Y tố ra văn bản “định hướng” các cơ sở Y tế nên mua sắm các sản phẩm này để điều trị cho các bệnh nhân?

Vậy theo Ông đây có được cho là hành vi trục lợi trong kinh doanh trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời, đi ngược lại chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ngành y tế là không tăng giá bán đối với các mặt hàng nhất là các mặt hàng thuốc phục vụ công tác điều trị Covid-19?

Đồng thời cho biết việc quảng cáo thổi phồng công dụng một sản phẩm của đơn vị hay cá nhân nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trước các dòng sản phẩm khác có được cho là vi phạm Luật cạnh tranh không? Nhất là những nội dung quảng cáo này lại chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt?

Luật sư: Trong tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp hiện nay, việc tăng giá vô lý các loại hàng hoá đều đang vi phạm quy định của pháp luật theo điểm c khoản 2 Điều 10 Luật giá 2012 quy định về những hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không được phép lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Các sản phẩm Viên nang Kovir và sản phẩm Nobel của của Công ty CP Sao Thái Dương, dù trước khi có văn bản định hướng sử dụng các sản phẩm hỗ trợ phòng chống COVID của Bộ Y Tế, cũng đã tăng lượng nhu cầu nhất định trong thời kỳ dịch COVID diễn biến phức tạp, người dân muốn nâng cao, tăng cường sức đề kháng của bản thân trước để phòng chống COVID. Vì thế, việc tăng giá của công ty này chính là đang lợi dụng dịch bệnh để định giá mua bán hàng hoá bất hợp lý.

Đối với cụ thể ngành y tế, căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP: “3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó cá nhân có hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lí với thuộc phục vụ phòng, chống dịch bệnh có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; tổ chức là 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Ngoài ra còn thế bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP; đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP: “5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, hành vi này cũng có thể bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh – lôi kéo khách hàng bất chính theo điểm a khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh ttranh: “Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác”. Đặc biệt hiện nay dịch bệnh COVID đang diễn ra, việc quảng cáo những thông tin không có căn cứ như vậy của Công ty có thể bị coi là đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng.

PV: Liên quan tới nội dung này. Vừa qua Bộ Y tế cũng ra văn bản công bố 12 loại “thuốc” có công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19. Nhưng sao đó thu hồi do có sai sót về các sản phẩm này có nhiều loại chỉ là “sản phẩm bảo vệ sức khoẻ” chứ không hề được cấp phép là sản phẩm thuốc. Việc công bố “chưa đúng” này đã gây ảnh hưởng tới tâm lý người dân mua đầu cơ tích trữ đồng thời đẩy giá các sản phẩm này lên rất cao.

Vậy trách nhiệm của các đơn vị ban hành văn bản tại những trường hợp sai sót này được quy định trong luật như thế nào? Có hình phạt và xử lý cụ thể không? Thưa Ông

Luật sư: Ngày 24/7/2021, Bộ Y tế có văn bản 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Theo đó, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Viên nang Kovir, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng âm bổ phế, Siro Ngân kiều, Hạnh tô, Vệ khí khang, Hoạt huyết Nhất Nhất, Viên nang Imboot, Xuyên tâm liên, Viên nang Nasagast – KG.

Ngày 26/7, Bộ Y tế có văn bản số 5967/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện y học cổ truyền Bộ, ngành và các tỉnh thành phố, các bệnh viện chuyên khoa… về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT.

Việc công bố những nội dung chưa phù hợp của Bộ Y tế sẽ được xử lý kỷ luật căn cứ theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Phụ thuộc vào mức độ của hành vi vi phạm, các hình thức xử lý sau sẽ được áp dụng:

Đối với cán bộ Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Cách chức.

d) Bãi nhiệm.

 

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Hạ bậc lương.

d) Buộc thôi việc.

 

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Giáng chức.

d) Cách chức.

đ) Buộc thôi việc.