Thủ đoạn của băng nhóm đòi nợ thuê “đội lốt” Công ty luật và những vấn đề pháp lý cần làm rõ.

0
708

Theo Công An tỉng Tiền Giang, mới đây phát hiện vụ việc Công ty luật TNHH Pháp Việt đã bất chấp mọi thủ đoạn, gọi điện đe doạ, khủng bố, đưa quan tài, bình gas đến nhà “con nợ” để đe dọa tinh thần, hù dọa sẽ gây nổ cơ quan của các “con nợ” hoặc người thân của họ để buộc trả tiền. Liên quan đến vấn đề trên Luật sư Nguyễn Thanh Hà-Chủ tịch công ty Luật SBLaw đã có những chia sẻ như sau:

 

Công ty này có lách luật không?

Theo quy định Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Các nguyên tắc hành nghề luật sư gồm:

  1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
  2. Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
  3. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
  4. Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
  5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Các tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có các công ty luật) được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, hoặc các vấn đề pháp lý khác liên quan đến quan hệ cho vay tài sản. Đó có thể là các dịch vụ tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng hoặc tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự hoặc hình sự, hoặc các hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp cho khách hàng thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các hoạt động này phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, và đặc biệt là chỉ được “sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng” (Điều 5 Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, thì các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư không được thực hiện các hành vi trái pháp luật, không được “lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Như vậy, trong vụ việc trên ta thấy việc Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở trên đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình, TP.HCM) sử dụng các nhân sự không phải là luật sư, không có chuyên môn pháp lý, để thực hiện hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, có tính chất khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản sẽ không thể coi là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư.

Thực chất đây là hành vi “lách” luật, lợi dụng vỏ bọc của công ty Luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: đe doạ, khủng bố tinh thần con nợ và những người thân xung quanh con nợ, việc lợi dụng danh nghĩa công ty Luật để thực hiện những hành vi đó cần phải xử lý nghiêm khắc để bảo vệ an toàn an ninh xã hội và không để ảnh hưởng đến uy tín của các công ty Luật khác.

Thủ đoạn trên tinh vi ra sao, cần cảnh báo điều gì?

Thủ đoạn chính của những cá nhân và tổ chức trên là thực hiện những hành vi có tính chất đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của bên vay, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nói cách khách đây không khác nào hình thức “đòi nợ thuê” núp sau vỏ bọc của công ty Luật.

Pháp luật quy định rất rõ việc nghiêm cấm các hình thức “đòi nợ thuê” do đó, để trốn tránh trách nhiệm các đối tượng trên đa tìm cách thức “lách luật”, sử dụng “vỏ bọc” là các hoạt động hợp pháp khác. Trong đó, hình thức thành lập Công ty luật, để “núp bóng” các dịch vụ pháp lý của luật sư nhằm hoạt động đòi nợ thuê, đã bắt đầu xuất hiện. Những thủ đoạn này hết sức tinh vi và có sự đầu tư, tính toán và phân công tổ chức rõ ràng trong hoạt động này.

Đây là hành vi hết sức nguy hiểm làm mất trật tự an ninh và ảnh hưởng trực tiếp đến những người liên quan. Đối với các công ty Luật nói chung sẽ bị ảnh hưởng uy tín bởi những đối tượng này. Do đó, khi phát hiện ra các hành vi của các đối tượng tương tự thì người dân ngay lập tức đến trình bày với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngân hàng nhờ đòi đúng luật không?

Việc các ngân hàng hoặc công ty tài chính có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý tại các công ty Luật để nhờ sự trợ giúp pháp lý của luật sư trong quá trình xử lý các khoản nợ là hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, các hoạt động này phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các bên không được phép lợi dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác.

Trong vụ việc trên, cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ vai trò và trách nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính và các cá nhân (thuộc các tổ chức này) có liên quan trong vụ việc. Nếu họ đã biết rõ hoặc có sự cấu kết, thông đồng với các đối tượng trong việc sử dụng các biện pháp trái pháp luật, có tính chất cưỡng đoạt tài sản để thu hồi nợ, thì các cá nhân có liên quan thuộc các ngân hàng và công ty tài chính này đã có dấu hiệu đồng phạm trong hành vi cưỡng đoạt tài sản, và cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.