Thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi khách sạn: Không minh bạch bởi phí chồng phí

0
604

Những tranh cãi xoay quanh vấn đề thu phí âm nhạc qua tivi khách sạn vẫn đang tiếp tục nóng lên bởi chính sự không minh bạch trong giải quyết vấn đề. Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng đã có những phản ứng gay gắt về vấn đề trên và cho biết nếu minh bạch, khách sạn sẽ đóng gấp đôi tiền phí.

Sau một thời gian tạm ngưng thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại các cơ sở lưu trú, mới đây đại diện Trung tâm tác quyền âm nhạc cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc thu phí này từ đầu tháng 10 năm nay. Việc này một lần nữa gây phản ứng trong dư luận, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh khách sạn.

Vấn đề tranh cãi ngày càng nóng lên khi mới đây Hội khách sạn Đà Nẵng đã gửi văn bản kiến nghị không thu phí quyền tác giả âm nhạc tại khách sạn đến UBND, Sở Du lịch, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Trong văn bản, Hội đã đưa ra những lý do cụ thể.

Thứ nhất, đài truyền hình đã đóng tiền tác quyền cho VCPMC nên việc VCPMC tiếp tục thu tiền các khách sạn là trùng lắp. Ngoài ra, các khách sạn đã nộp tiền cho các đơn vị phát sóng thì việc VCPMC thu tiền trên từng ti vi là phí chồng phí.

Thứ hai, Hội dẫn khoản 1 điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ: “Đối tượng nộp tác quyền là “tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ quảng cáo hoặc thu tiền”. Trong khách sạn, ti vi chỉ là một thiết bị phụ trợ không thuộc diện trên. Ngoài ra khoản 2 điều 33 hướng đến đối tượng sử dụng bản ghi âm, ghi hình mang tính chủ động trong khi người xem ti vi trong khách sạn là thụ động.

Thứ ba, khoản 3 điều 20 Luật SHTT, nêu rõ: “Khi tổ chức cá nhân sử dụng toàn bộ quyền tác giả phải trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho quyền tác giả”. Trong khi đó, theo Hội nay, các khách sạn sử dụng ti vi qua các kênh của đài truyền hình là đơn vị gián tiếp sử dụng nên khách sạn không có nghĩa vụ xin phép hoặc trả thù lao cho bất cứ ai. Ngoài ra, theo khoản 4 điều 23 Nghị định 100 quy định về “quyền truyền đạt tác phẩm trước công chúng”, việc truyền đạt thuộc về đài truyền hình chứ không phải khách sạn.

Đại diện Hội khách sạn Đà Nẵng, ông Phạm Việt Cương cũng cho biết thêm rằng nếu vấn đề thu phí minh bạch thì khách sạn sẵn sàng đóng gấp đôi tiền phí.

Cũng trả lời về vấn đề này, ông Đặng Đình Long, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giải pháp công nghệ AiBiz -đơn vị sở hữu công nghệ giám sát việc sử dụng âm nhạc trên truyền hình đã chia sẻ trên báo Tuổi trẻ: “Nếu muốn thu phí âm nhạc thì phải có phương tiện đo lường xem thời gian các khách vào khách sạn xem tivi là bao lâu, vào khung giờ nào, có xem những tác phẩm đã ủy quyền cho trung tâm hay không, tỉ lệ số bài đã ủy quyền cho trung tâm chiếm bao nhiêu trong tổng số bài đã phát trên tivi”.

Ông Long cũng cho biết thêm: “Nếu cứ nói trên tivi có phát âm nhạc mà thu phí bản quyền thì nay mai có lẽ các khách sạn sẽ phải nộp cả phí bản quyền phim, bản quyền chương trình và nhiều thứ bản quyền khác… hay sao?

Mức thu mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi không phải là gánh nặng quá lớn với doanh nghiệp. Nhưng do các doanh nghiệp cho rằng cách thu chưa minh bạch nên họ phản ứng là đương nhiên”.

Nguồn: http://www.sohuutritue.net.vn/thu-phi-tac-quyen-am-nhac-qua-tivi-khach-san-khong-minh-bach-boi-phi-chong-phi-d13412.html