Ví dụ thực tiễn về việc áp dụng luật xử lý :
Tại Hà Nội, đội quản lý thị trường cùng đội cảnh sát điều tra tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (công an quận Thanh Xuân) đã phát hiện cửa hàng số 135 Nguyễn Tuân bán một loạt xe có kiểu dáng giống các xe của hang Honda với giá chỉ với 16 triệu đồng/ 1 chiếc. Qua điều tra thu thập chứng cứ, cơ quan công an có đầy đủ chứng cứ làm rõ cơ sở này vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của hãng Honda Việt Nam. Sauk hi tiến hành lập văn bản làm việc, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân đã tạm giữ ba chiếc xe là tang chứng của vụ việc và tiếp tục điều tra mở rộng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, quảng cáo của một đại lý trên mục rao vặt của một số tờ báo khá hấp dẫn: Honda Air Blade giá 42 triệu đồng/chiếc; cửa hàng chỉ bán giá 6-8 triệu đồng/chiếc; Victoria giá 9 triệu đồng/chiếc; Nouvo Yamaha giá 6 triệu đồng/chiếc. Khách hàng thắc mắc về xuất xứ, người bán cũng chỉ trả lời qua loa là xe do công ty liên doanh tại Việt Nam với Nhật Bản sản xuất, nhập khẩu, một nhà máy ở Hà Nội lắp ráp, thời gian bảo hành 2 năm.
Theo Phó Đội trưởng Đội QLTT 3A, Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh, việc xử lý hàng giả, nhái phải theo quy trình: “Khổ chủ” – đơn vị bị nhái hàng cần có khuyến cáo gửi trực tiếp đến các đơn vị vi phạm yêu cầu chấm dứt sai phạm. Nếu đã hết thời gian yêu cầu mà tình trạng buôn bán hàng nhái, giả vẫn còn tiếp diễn thì chủ SHCN làm đơn khiếu nại lên Cục QLTT, Cảnh sát kinh tế (CSKT), thanh tra chuyên ngành. Lúc này các cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Từ hai Từ hai thông tin trên, người đọc có thể thấy có hai cách ứng xử đối với hành vi của hai cơ sở cùng kinh doanh một loại hàng do Công ty D cung cấp. Hãy đối chiếu với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) để xem xét.
Điều 213 Luật SHTT định nghĩa hàng hóa giả mạo SHTT gồm hàng giả mạo NH, CDĐL và hàng hóa sao chép lậu. Trong đó, hàng hóa giả mạo NH, CDĐL là hàng hóa (bao bì hàng hóa) có gắn NH, dấu hiệu trùng/khó phân biệt với NH, CDĐL đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu NH, hoặc tổ chức quản lý CDĐL. Điều 51 Hiệp định TRIPS chỉ rõ, bất kỳ hàng hóa (kể cả bao bì) mang một NH y hệt như NH đã được đăng ký một cách hợp pháp, hoặc không thể phân biệt được theo những khía cạnh cơ bản của NH đã được đăng ký sẽ bị coi là trái phép.
Luật SHTT và các Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, 106/2006/NĐ-CP có phân ra hai mức độ xâm phạm quyền SHCN. Mức độ thứ nhất là hàng hóa xâm phạm quyền SHCN, áp dụng cho tất cả các đối tượng là sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, KDCN, NH, chỉ dẫn địa lý (CDĐL), tên thương mại. Mức độ thứ hai là hàng hóa giả mạo, áp dụng cho NH, CDĐL.
Từ các khái niệm mức độ xâm phạm nêu trên, đối chiếu với tình huống cụ thể này cho thấy, các cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng bán xe máy không phải do Hãng Honda sản xuất nhưng có hình dáng bên ngoài tương tự như Air Blade, Spacy, SCR của Hãng Honda. Đồng thời, trên các xe này có gắn NH Honda, Air Blade, Spacy, SCR. Như vậy, các xe này có gắn dấu hiệu trùng với NH của Honda. Hàng hóa ở đây lại chính là mặt hàng (xe máy cùng loại, cùng kiểu dáng) cũng do Honda sản xuất. Từ các so sánh trên có thể nhận định là các xe máy mà hai cơ sở này đang bán là hàng hóa giả mạo NH.
Theo quy định tại Điều 23, Điều 24 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, thủ tục đầy đủ áp dụng cho việc xử lý hàng hoá xâm phạm quyền SHCN (trong đó có xâm phạm quyền đối với NH, CDĐL) quy định về đơn yêu cầu, chứng cứ phải cung cấp. Trong đó có một thủ tục bắt buộc là chủ thể quyền phải có khuyến cáo, yêu cầu bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm trong thời hạn hợp lý. Sau thời hạn đó, nếu bên xâm phạm không chấm dứt thì có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tuy nhiên, đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hoá giả mạo NH, CDĐL, Điều 24 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP quy định thủ tục rút gọn như sau: Khi phát hiện và có đầy đủ chứng cứ về việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo NH, CDĐL, cơ quan xử lý vi phạm có quyền quyết định đình chỉ hành vi này, lập biên bản về hành vi vi phạm mà không cần phải tuân theo trình tự, thủ tục đầy đủ, áp dụng đối với hàng hóa xâm phạm quyền.
Trong trường hợp có đầy đủ các chứng cứ chứng minh thuộc một trong các trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 215 của Luật SHTT, cơ quan xử lý vi phạm có quyền áp dụng các biện pháp phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 215 của Luật SHTT. Đó là trong trường hợp cần thiết, hoặc theo yêu cầu có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 215 của Luật SHTT và Điều 25 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP. Có nghĩa là có quyền tạm giữ vật chứng, tang vật vi phạm, ngăn ngừa hành vi tẩu tán hàng hóa là vật chứng của hàng hóa giả mạo.
Trong trường hợp chứng cứ về hàng hóa giả mạo NH, CDĐL chưa rõ ràng, cơ quan phát hiện hàng hóa giả mạo có trách nhiệm kiểm tra, xác minh hoặc yêu cầu cơ quan công an xác minh, thu thập chứng cứ về hành vi vi phạm, trưng cầu giám định SHCN.
Từ sự khác nhau về đánh giá hành vi vi phạm, hai cơ quan đã áp dụng trình tự, thủ tục khác nhau. Một cơ quan áp dụng thủ tục đầy đủ (do nhận định đây là hành vi buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền NH). Cơ quan thứ hai lại áp dụng thủ tục rút gọn (do nhận định đây hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo NH)). Nhưng đối chiếu với các quy định, có thể thấy cơ quan chức năng quận Thanh Xuân đã có nhận định, đánh giá sự việc đúng bản chất, phù hợp với quy định của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn. Do vậy, các hành động, biện pháp mà cơ quan này đã áp dụng (chủ động tiến hành kiểm tra, lập biên bản sự việc, tạm giữ 3 xe máy là tang vật) là kịp thời, đúng quy định và là cơ sở để sau này có thể kết luận, xử lý vụ việc.
Qua tình huống nêu trên chúng ta thấy vấn đề xử lý hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn (Hiện tượng vi phạm là tương tự nhau. Nhưng các cơ quan có thẩm quyền ở hai địa phương có cách ứng xử khác nhau, áp dụng pháp luật khác nhau. Khác nhau về nhận định, đánh giá hành vi này là buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) do phải áp dụng nhiều điều luật và nghị định khác nhau, dẫn tới sự không thống nhất về thủ tục xử lý hàng hóa xâm phạm, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên các địa bàn khác nhau.