Thúc đẩy xây dựng chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu

0
678

Artemia Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một loài thủy sản đặc biệt có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Để phát huy giá trị cho sản phẩm Artemia rất cần thiết phải có sự đánh giá sản phẩm, tính khả thi của việc xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Qua đó tạo điều kiện mở rộng sản xuất giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo bền vững. Phù hợp cho sản xuất Artemia

Thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, diện tích nuôi Artemia toàn thị xã là 650ha, tập trung khu vực các xã, phường gồm: Lai Hòa, Vĩnh Tân và Vĩnh Phước, với sản lượng thu hoạch dao động từ 20 tấn đến 30 tấn/năm. Diện tích qua từng năm sẽ có khả năng tăng từ 150ha đến 200ha. Đồng thời, trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu được công nhận có chất lượng tốt và đây là nghề truyền thống mang tính đặc thù của địa phương.

Tại Hội thảo “Sự cần thiết của việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Artemia” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa được tổ chức mới đây tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng  các đại biểu đã trao đổi các điều kiện cần và đủ để xây dựng được chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác Artemia.

Theo đó, phải xây dựng quy trình nuôi, xác định sản phẩm đăng ký đã và đang sử dụng vì có dạng khô, đông lạnh… Đồng thời, dự báo khu vực mở rộng, xây dựng cơ chế quản lý bán sản phẩm, lựa chọn đơn vị khai thác chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác Artemia nhằm phát huy sản phẩm.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Đinh Hữu Phí cho rằng, doanh thu từ Artemia đem về cho thị xã Vĩnh Châu khá lớn và đây là một loài thủy sản đặc biệt có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác Artemia nhằm phát huy sản phẩm rất cần thiết.

Trước tình hình trên, Cục trưởng Đinh Hữu Phí bày tỏ sự ủng hộ và đề nghị Sở KH&CN, UBND thị xã Vĩnh Châu xúc tiến nhanh các thủ tục cần thiết để Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định dự án nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.

Với mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù mang địa danh của từng địa phương, ngày 24/4/2017 Bộ KH&CN đã ra quyết định phê duyệt danh mục đặt hàng các dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Artemia.

Để đánh giá tính khả thi của việc triển khai thực hiện dự án, Đoàn khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ và Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, năng suất, chất lượng Artemia tại khu sản xuất và chế biến trứng bào xác Artemia của Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu và trại thực nghiệm Artemia của Trường Đại học Cần Thơ tại thị xã Vĩnh Châu. Khảo sát bước đầu cho thấy điều kiện tự nhiên của thị xã Vĩnh Châu phù hợp để sản xuất Artemia và tạo ra sản phẩm có những đặc trưng riêng đáp ứng các yêu cầu xây dựng chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị của sản phẩm trong thời gian tới.

Đánh giá về Artemia Vĩnh Châu, PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa – Trưởng Bộ môn Kỹ Thuật nuôi Hải Sản, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, qua quá trình thuần hóa và chọn lọc ra dòng Artemia Vĩnh Châu đã cho thấy sự thích nghi với điều kiện tự nhiên của Vĩnh Châu, đặc biệt là sự  thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng tôm, cá. Điều này sẽ là tiền đề cho việc sản xuất, tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước.

Nhân rộng sản phẩm Artemia Vĩnh Châu

Qua Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận cũng như tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ phía lãnh đạo các bộ phận chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ và Hợp tác Artemia Vĩnh Châu nhằm xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả, đưa sản phẩm Artemia Vĩnh Châu trở thành sản phẩm có danh tiếng trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia, trong những năm qua, Artemia Vĩnh Châu vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế, nguyên nhân chủ yếu là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng còn hạn chế, thiếu thông tin thị trường và dịch vụ đầu ra, việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các thương lái nhỏ lẻ tại địa phương.

Chính vì vậy, để Artemia Vĩnh Châu được đảm bảo quyền lợi khi xuất bán trên thị trường hay xuất khẩu rất cần xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác artemia, với mục đích nhằm tăng giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho người dân và khi bán trên thị trường, sản phẩm có sự truy xuất nguồn gốc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng cần xác định rõ bản đồ khu vực nuôi trồng và sản xuất trứng bào xác Artemia, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm từ Artemia bao gồm trứng bào xác Artemia và Artemia sinh khối, xây dựng cụ thể quy trình sản xuất và chế biến trứng bào xác Artemia trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trao quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho Liên hiệp Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu,…

Để nhân rộng sản phẩm Artemia Vĩnh Châu, Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhấn mạnh việc xây dựng chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu, đồng thời, cam kết sẽ hỗ trợ, tư vấn và phối hợp với địa phương để việc xây dựng chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu sớm được thực hiện và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Được biết, Artemia được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Ấu trùng Artemia mới nở là thức ăn tươi sống lý tưởng dùng trong ương nuôi ấu trùng tôm, cá.

Nguồn: http://canthostnews.vn/Default.aspx?tabid=82&NDID=59480&keyword=Thuc-day-xay-dung-chi-dan-dia-ly-Artemia-Vinh-Chauv