Tín dụng đen thời Covid-19

0
605

1. Dịch covid-19 tác động nhiều đến doanh nghiep cũng như thu nhập của các cá nhân, gia đình, trước tình hình này nhiều người đã tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng như một cứu cánh để giúp họ sống ổn định qua mùa dịch. Anh đánh giá như thế nào về thực trạng này hiện nay?

Trả lời:

Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người dân đóng cửa hầu hết các mặt hàng trong 3 tuần qua cũng đã gây thiệt hại kinh tế cho nhiều người dân, doanh nghiệp.

Để hạn chế những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải, ngày 04/03/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19; trong đó có gói tín dụng 250.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt và đồng hành nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp nhưng gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng là tổng số tiền mà các ngân hàng thương mại cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn (từ 0,5-1,5%/năm) so với tín dụng thông thường với mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ này vẫn sẽ phải tuân theo các điều kiện vay vốn và quy trình thẩm định của ngân hàng thương mại, mà từng khoản vay đều có trách nhiệm hoàn trả như các khoản vay thông thường và phải tuân thủ mọi quy định về cho vay của ngân hàng như đầy đủ hồ sơ vay vốn, khách hàng vay có năng lực tài chính và thậm chí là tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Do đó, việc mọi người tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng để giúp ổn định cuộc sống trong mùa dịch này là điều không hiếm. Việc vay tín dụng đen được nhiều người lựa chọn chủ yếu bởi những lời rao tin nghe rất bắt tai: như thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, nhanh chóng, lãi suất vay thấp, thậm chí 0%…Thế nhưng đến khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, tiền gốc còn không được nhận đủ, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, khi người dân chưa kịp trả thì nhận lời đe dọa, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống sinh hoạt.

2. Anh có khuyến cáo gì cho người dân trước khi tìm đến tín dụng đen?

Trả lời:

Hiện nay, hệ thống cho vay tiêu dùng khá đa dạng đã đáp ứng nhiều hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Tuy nhiên, người dân cần phải tìm hiểu kỹ các loại hình, nếu không sẽ bị lừa vay phải lãi suất cao.

Đặc biệt, bên cạnh hệ thống ngân hàng, công ty tài chính hoạt động chính thống, bài bản thì cũng có hàng loạt mô hình biến tướng tín dụng đen như cầm đồ, một số app vay tiền online, … Do đó, người dân cần phải rất cảnh giác với những loại hình này.

Khi có nhu cầu vay, người dân cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay. Khi trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn tín dụng, khách hàng cần hỏi rõ các thông tin của nhân viên tư vấn hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình chụp danh thiếp, tránh tình trạng bị giả mạo đánh cắp thông tin.

Ngoài ra cũng có những ứng dụng cho vay minh bạch, khi đặt yêu cầu vay người sử dụng sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về số tiền gốc được vay tối đa, thời gian vay, tiền phí, tiền lãi phải trả và quy định về chính sách phạt khi quá hạn trả nợ. Trong trường hợp người vay có nguy cơ nợ xấu cao cũng được sàng lọc, hạn chế bằng những thuật toán và giải pháp công nghệ, quan trọng nhất danh tính cả người vay và nhà đầu tư sẽ được bảo mật, không cần cung cấp danh bạ cá nhân. Vậy nên người dân cần có sự sàng lọc trước khi chọn loại hình cho vay để không bị ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống sau này.

3. Theo quy định của pháp luật, người cho vay tín dụng đen sẽ bị xử lý như thế nào khi cho vay mức lãi suất cao?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 về Lãi suất thì:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận:

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Như vậy, trường hợp lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá: 20%/ năm của khoản tiền vay

Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng.

Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tương đương lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định trên tháng là: 5 lần x 1,666%  = 8,33%

Như vậy, chỉ khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 5 lần trở lên thì mới cấu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự. Và tùy vào mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm sẽ bịphạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, bên cạnh đó, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.