Tình trạng nợ bảo hiểm tại các doanh nghiệp hiện nay

0
660

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có buổi phóng vấn với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC về vấn đề nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tại các Doanh nghiệp hiện nay

1. Thưa ông ( bà), Ông( bà) đánh giá như thế nào về con số mà trong phóng sự chúng tôi đã đưa ra?

Tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT và các loại bảo hiểm khác diễn ra ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người lao động. Những con số trên đưa ra tuy đã phản ánh được tình trạng nợ bảo hiểm hiện nay tuy nhiên theo cá nhân tôi thì nó chưa phản ánh được hết sự ảnh hưởng của việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm đến người lao động như thế nào. Việc doanh nghiệp không tiến hành đóng BHXH, BHYT cho người lao động đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không được thanh toán chế độ khi ốm đau, nghỉ thai sản, gặp phải tai nạn lao động hay đến tuổi hưởng trợ cấp hưu trí. Điều đáng bức xúc hơn cả là việc doanh nghiệp vẫn tiến hành “trừ lương đóng bảo hiểm” của người lao động hàng tháng nhưng quỹ lương này đã không được sử dụng theo đúng mục đích của nó, mà đã được sử dụng vì mục đích kinh doanh sinh lời của công ty. Những hành động này của các doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về BHXH, gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động nói riêng và hệ thống an sinh xã hội của đất nước nói chung.

2. Vậy nguyên nhân khiến phát sinh tình trạng nợ BHXH là gì, thưa ông( bà)?

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có hai nguyên nhân chính sau dẫn đến thực trạng này:

Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ bản thân người lao động và người sử dụng lao động:

+ Về phía người sử dụng lao động, mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo hiểm cho người lao động song các doanh nghiệp hiện tại đang cố tình “lẩn tránh”, có hành vi vi phạm, coi thường các quy định của pháp luật. Trong khi đó về phía người lao động, do sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như không tự nâng cao kiến thức về vấn đề này nên đã chủ quan, tin tưởng vào các doanh nghiệp. Nguyên nhân này được xem là đã “tiếp tay” cho sai phạm của doanh nghiệp và khiến tình trạng nợ bảo hiểm xa hội diễn ra phổ biến.

Nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành:

+ Có thể nói việc các doanh nghiệp tràn lan trốn nợ bảo hiểm, thậm chí có những doanh nghiệp khi đã có bản án của Tòa vẫn không thực thi xuất phát từ việc các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thêm vào đó chế tài xử phạt đối với việc vi phạm còn nhẹ. Tính chất chưa đủ răn đe của pháp luật là nguyên nhân khiến cho sai phạm diễn ra ngày càng nhiều.

Ngoài ra, theo tôi thấy hiện nay các tổ chức công đoàn chưa thực sự phát huy được vai trò của mình trong vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhất là trong trường hợp người lao động đã tiến hành đóng bảo hiểm cho người sử dụng lao động nhưng khoản tiền đó lại được sử dụng cho mục đích khác.

3. Thông qua công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, số tiền thu được ra sao, thưa ông( bà)?

Hiện nay BHXH ở các tỉnh đã tiến hành rất nhiều biện pháp mạnh tay nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp trong đó có công tác khởi kiện ra Tòa án. Thực tế cho thấy hàng năm BHXH các tỉnh đã tiến hành khởi kiện đối với các Doanh nghiệp còn nợ với số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng tuy nhiên số tiền được thu hồi thì không đáng kể, dù đã có quyết định của Tòa án buộc các Doanh nghiệp phải trả tiền BHXH nhưng các Doanh nghiệp vẫn không chịu thi hành án, hoặc nếu có cũng chỉ đối phó theo kiểu trả tiền “nhỏ giọt”. Về cơ bản số tiền được thu hồi thông qua công tác khởi kiện là không đáng kể so với tổng số tiền còn nợ.

4. Theo phản ảnh của Tổng LĐLĐ VN, nhiều người lao động đang trở thành “con tin” do doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn dù trước đó đã trích tiền lương để đóng BHXH, nhưng không nộp vào quỹ BHXH. Ông có ý kiến gì về thực trạng này?

Cũng như đã nói ở trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội. Nhưng rõ ràng, người chịu thiệt hại trực tiếp ở đây là người lao động. Đặc biệt khi họ đã tham gia đóng bảo hiểm nhưng thực tế lại không được hưởng chính sách bảo hiểm. Phản ánh của Tổng LĐLĐ VN là hoàn toàn đúng đắn. Nhiều người lao động hiện nay đang trở thành con tin do doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn. Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Theo quy định của Luật phá sản 2014, cụ thể tại Điều 54 quy định về thứ tự phân chia tài sản thì khoản bảo hiểm xã hội (cùng với khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết) được xếp ở vị trí thứ hai sau chi phí phá sản. Điều này có nghĩa không có gì bảo đảm rằng số tiền bảo hiểm xã hội đã đóng được thanh toán đầy đủ khi mà còn vô số các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra theo thủ tục phá sản. Đó là còn chưa kể trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn thì vấn đề khoản tiền bảo hiểm đã đóng đến bao giờ mới được giải quyết. Người lao động đã trích tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội nhưng họ lại không được đảm bảo quyền lợi. Đây là vấn đề cần phải được sự quan tâm đúng mức và sự can thiệp kịp thời để hạn chế tình trạng nợ bảo hiểm xã hội và để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

5. Thưa ông tại sao lại có tình trạng trên? Nghĩa là người công nhân hàng tháng vẫn bị trừ tiền và cứ tưởng rẳng đó là bị trừ do BHXH nhưng cuối cùng mới biết mình vẫn chưa được đóng BHXH?

Việc xảy ra tình trạng này xuất phát từ 02 nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do những người lao động đã không nâng cao kiến thức pháp luật của mình về vấn đề BHXH.

Hiện nay Khoản 7 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định về quyền của người lao động như sau:

“Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội”.

Tương ứng với quyền của người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc cung cấp thông tin về BHXH được quy định tại Khoản 7 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu”. Ngoài ra tại Khoản 8 Điều này cũng quy định hằng năm, các Doanh nghiệp phải niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.

Ngoài ra nguyên nhân thứ 02 dẫn tới tình trạng này xuất phát từ việc các Doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật về việc đóng BHXH cho người lao động, không minh bạch trong các khoản đóng về BHXH cho người lao động.

6. Theo tôi được biết, cũng có hiện tượng có doanh nghiệp đã thu của người lao động, nhưng lại cố tình không đóng vì quyền lợi riêng của mình, họ lấy quỹ bảo hiểm đã thu dùng vào việc kinh doanh để giảm vốn vay ngân hàng nhằm trục lợi? Ông ( bà) đánh giá như thế nào về trường hợp này?

Theo quy định tại Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì hiện nay Quỹ Bảo hiểm xã hội được sử dụng để:

  1. Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động
  2. Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
  3. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội
  4. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định pháp luật. Việc đầu tư cần tuân thủ nguyên tắc phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.

Như vậy trong trường hợp Doanh nghiệp muốn sử dụng quỹ bảo hiểm để đầu tư thì cần đảm bảo theo yêu cầu các quy định của pháp luật. Ngoài ra, các Doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đầu tư theo các hình thức bao gồm: Mua trái phiếu Chính phủ; Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cho ngân sách nhà nước vay.

Việc các Doanh nghiệp lấy quỹ bảo hiểm xã hội đã thu dùng vào việc kinh doanh để giảm vốn vay ngân hàng như vậy là trái với quy định của pháp luật, cụ thể hành vi của các Doanh nghiệp được xem là đã sử dụng Quỹ bảo hiểm sai mục đích. Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có bao gồm hành vi “Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật”. Việc các doanh nghiệp có hành vi như vậy đã thể hiện ý thức chấp hành pháp luật còn kém.

7. Với những trường hợp như vậy thì chế tài xử lý cần phải như thế nào, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động?

Hiện tại, Nghị định 88/2015/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ – CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng, đã quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng Quỹ bảo hiểm sai mục đích như sau:

“Điều 28. Vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

…….

  1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội sai mục đích.
  2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

      ……..

    d) Buộc nộp lại lợi nhuận thu được từ việc sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội sai mục đích đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này.”

8. Vậy đối với những doanh nghiệp bỏ trốn thì nhà nước cần có những chính sách như thế nào để tránh giảm thiệt hại cho người lao động?

– Thứ nhất, để tránh tình trạng các doanh nghiệp có thể bỏ trốn không đóng BHXH cho người lao động thì theo tôi các cơ quan bảo hiểm xã hội cùng các tổ chức công đoàn cơ sở nên thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của mình hơn nữa, việc đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra sẽ phần nào giảm được nguy cơ đối với các doanh nghiệp có ý định trốn đóng BHXH.

– Thứ hai, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH chưa đủ sức răn đe bên cạnh đó quy định về lãi suất chậm đóng BHXH hiện nay cũng không cao nên theo tôi nhà nước cần tăng chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp nợ BHXH hơn nữa để tránh tình trạng các Doanh nghiệp cố tình “làm trái” với quy định của pháp luật.

– Thứ ba, Bộ luật hình sự 2015 (đã lùi hiệu lực thi hành) đã đưa một số tội danh có liên quan đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm như: Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Tội gian lận bảo hiểm y tế; Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Các pháp nhân thương mại khi có hành vi vi phạm các Tội trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc đưa hành vi vi phạm về bảo hiểm vào BLHS 2015 là hoàn toàn cần thiết, cho thấy tính răn đe của pháp luật đối với các doanh nghiệp còn cố tình vi phạm.

9. Ngoài ra, những doanh nghiệp họ thường đưa ra những lý do như thế nào trong quá trình bị thanh kiểm tra về tình trạng nợ BHXH thưa các vị khách mời?

Lý do mà các Doanh nghiệp hiện nay thường đưa ra trong quá trình bị thanh kiểm tra về tình trạng nợ BHXH chủ yếu là do nền kinh tế thị trường hiện nay còn khó khăn dẫn đến hoạt động kinh doanh tại các Doanh nghiệp bị đình trệ, không phát triển, thậm chí nhiều Doanh nghiệp còn báo “lỗ”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng mức thu bảo hiểm bắt buộc hiện nay là quá cao, chính những điều này đã tạo gánh nặng đối với tình hình tài chính của các doanh nghiệp.

10. Vậy với những đối tượng này nhà nước cần có những biện pháp gì để xử lý chưa?

Hiện tại, Bộ lao động, thương bình và xã hội đã tiến hành thực hiện việc tổng hợp các báo cáo của doanh nghiệp về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi đóng BHXH cho người lao động để từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời. Đối với lý do về mức thu bảo hiểm bắt buộc quá cao thì nhà nước cũng đang xem xét các ý kiến đề xuất về việc giảm tỷ lệ đóng BHXH cho người lao động. Nếu chính sách này được thông qua sẽ đảm bảo cho các chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi khi xem xét việc giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp thì Nhà nước cần có những dự định, tính toán một cách hợp lí sao cho vẫn đảm bảo được quyền và lợi ích của người lao động về việc thụ hưởng chính sách bảo hiểm.