Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trị tuệ các thương hiệu lớn ngày càng gia tăng

0
915

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, phần mềm máy tính đến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại.

Thương hiệu càng lớn bị xâm phạm càng nhiều

Hàng hóa có thương hiệu càng lớn thì tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trị tuệ càng nhiều và mức độ vi phạm không ngừng gia tăng. Từ đồng hồ, máy tính, giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm đến bánh kẹo, bột ngọt, bia đều bị đánh cắp thương hiệu làm mất uy tín nhà sản xuất và thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, đầu mối giao thông đến các tỉnh thành nên các tổ chức, cá nhân tập trung vận chuyển, buôn bán là chủ yếu. Hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phần lớn là hàng tiêu dùng và hàng thời trang. Các mặt hàng vi phạm phổ biến trên thị trường là đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo, giày dép giả mạo các nhãn hiệu nước ngoài như Gucci, Chanel, Nike, Adidas. Về nguồn hàng giả mạo nhãn hiệu phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng mỹ phẩm được làm giả, nhái như hàng thật từ bao bì, màu sắc, mùi hương được bán với giá rẻ.

Trên thị trường TP. Hồ Chí Minh, thương hiệu càng lớn thì mức độ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ càng nhiều. Đơn cử, từ đầu năm đến nay QLTT thành phố phát hiện 57 vụ vi phạm của nhãn hiệu Chanel; Louis Vuitton 20 vụ; Nike và Adidas 61 vụ; Lacoste và CK 14 vụ; MCM 7 vụ; GAP và POLO 6 vụ.

Ngoài đồ tiêu dùng, thời trang, các mặt hàng điện tử, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô cũng bị làm giả. Ông Nguyễn Viết Hồng- Tổng giám đốc Công ty CHG- đơn vị bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của Công ty TNHH NGK Việt Nam- cho biết, thương hiệu bugi của NGK Nhật Bản đã được đăng ký bảo hộ độc quyền trên thế giới và Việt Nam nhưng hàng giả xuất hiện trên thị trường là không ít. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát 1.208 chiếc bugi hiệu CSHSA của NGK Nhật Bản mua tại 452 cửa hàng trên cả nước mới đây, chuyên gia của NGK đến từ Nhật Bản kiểm tra và phát hiện 20,5% tổng số này là hàng giả.

Hiện trạng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước liên tục bị “cầm nhầm” thương hiệu với nhiều hình thức tinh vi cũng đã diễn ra từ rất nhiều năm trở lại đây. Điển hình như vụ việc Đội QLTT 1A cùng với Công an huyện Củ Chi bắt quả tang xe tải biển số 54M- 5358 đang xuất nhập bia chai, vỏ bia chai vào điểm sản xuất (53 Hồ Văn Tắc, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) trái phép. Lực lượng kiểm tra đã tịch thu nhiều chai bia thành phẩm, dụng cụ dập nắp chai, máy súc rửa chai sử dụng điện, … giả các nhãn hiệu nổi tiếng. Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đánh giá, đây là vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả với số lượng lớn và đã chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để tiếp tục xử lý.

Nguyên nhân của tình hình trên là do buôn bán hàng giả có lợi nhuận cao, một bộ phận người tiêu dùng thích dùng hàng gắn mác thương hiệu nổi tiếng nhưng mua với giá rẻ.

Chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe

Một thực tiễn cần nhìn nhận là công tác triển khai và thực thi SHTT tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập. Đáng kể là chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe khi hầu hết các vụ việc vi phạm SHTT chủ yếu vẫn còn là xử lý vi phạm hành chính. Về cơ chế, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được thống nhất khi chế tài xử lý vi phạm về SHTT được quy định ở nhiều văn bản khác nhau nên gây khó khăn cho các đơn vị thực thi.

Mặt khác, phía doanh nghiệp và các chủ thể quyền trong SHTT còn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong giải quyết các vụ việc vi phạm SHTT. Đồng thời, hầu hết các doanh nghiệp còn đang có tâm lý e ngại sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và ảnh hưởng đến thị phần của mình trên thị trường nên chưa phối hợp với các cơ quan chức năng. Ngoài ra các doanh nghiệp hiện nay (vừa và nhỏ) còn chưa có nguồn lực và KHCN đối với việc này.

Thiết nghĩ, để bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát hàng nhập khẩu phi pháp, tăng hình phạt đối với tội phạm làm hàng giả, nhập khẩu hàng giả.