TPP & AEC: Thời cơ và thách thức đối với kế toán, kiểm toán Việt Nam

0
379

Nhận lời mời của ban biên tập kênh VITV, kênh chuyên biệt về kinh doanh, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi về chủ đề TPP & AEC: Thời cơ và thách thức đối với kế toán, kiểm toán Việt Nam.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

 PV: Thưa ông (bà), theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), TPP có rất nhiều lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Vậy ông (bà) cho biết rõ hơn về những qui định này theo TPP, theo AEC?

– Cả TPP và các thỏa thuận về tự do dịch chuyển lao động trong AEC đều tạo điều kiện và cơ hội cho lao động của quốc gia này dễ dàng làm việc tại các quốc gia thành viên khác.

Đặc biệt với AEC, tuy hiện mới chỉ có 8 ngành nghề trong nội khối AEC thống nhất tự do dịch chuyển lao động, trong đó có kế toán, kiểm toán.

Bộ Trưởng Bộ Công thương Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.

Các nước thành viên đã đạt được các thỏa thuận cho việc thừa nhận công nhận tay nghề tương đương lẫn nhau giữa các nước ASEAN.

Theo đó, người lao động Việt Nam có chứng chỉ Kiểm toán viên đạt chuẩn ASEAN (gọi tắt là CPA ASEAN) có thể thuận lợi di chuyển và làm việc tại các nước thành viên.

 

PV: Những cơ hội và thách thức đặt ra đối với lĩnh vực tế toán, kiểm toán khi gia nhập TPP và AEC?

Về cơ hội:

Việc gia nhập TPP và AEC giúp đa dạng hóa lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường hội nhập với khu vực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đặc biệt đối với các Công ty kiểm toán, sẽ có nhiều chọn lựa tuyển dụng yêu cầu lao động trình độ cao vào làm việc. Song song với đó, lao động Việt Nam cũng sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi sang làm việc và học hỏi kinh nghiệm tại các quốc gia khác

Về thách thức:

Hội nhập hóa khu vực cũng đem đến thách thức lớn cho Việt Nam. Trước hết, dễ dàng nhận thấy nhất là vấn đề ngoại ngữ – được coi là chìa khóa mở cánh cửa hội nhập thì người lao động Việt Nam không sử dụng được tiếng anh và các ngoại ngữ khác chiếm tỷ lệ quá lớn. Trong khi lao động từ các quốc gia khác trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philipin, Malaysia và các quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương như Brunei, Canada, Chile… sử dụng tiếng anh thành thạo.

Ngoài ngoại ngữ, để làm việc được tại môi trường nước ngoài đòi hỏi người lao động phải “lành nghề”, có kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, phương thức làm việc chuyên nghiệp và đòi hỏi phải có kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Đây cũng là một thách không nhỏ đối với lao động ngành kế-kiểm nói riêng và lao động Việt Nam nói chung.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt đạt 4,94 và 5,59 điểm.”

Nhìn trực diện các vấn đề hội nhập đang đặt ra với Việt Nam, chúng ta phải thừa nhận rằng: năng lực cạnh tranh của người lao động Việt Nam đang rất “nhẹ ký” so với các nước bạn. Điều này gây nên mối đe dọa trực tiếp đến việc làm của người lao động trong nước sẽ thêm áp lực cạnh tranh, xa hơn gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế. Do vậy, cả Nhà nước cùng các Doanh nghiệp đến chính Người lao động cần sớm triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác một cách hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn

PV: Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp lý và chuẩn mực kế toán hoàn chỉnh, với nhiều nội dung phục vụ cho hội nhập và phát triển kinh tế thị trường. Vậy ông có thể nêu rõ một vài qui định thể hiện những tiến bộ theo chuẩn quốc tế của VN.

– Một trong những quy định thể hiện những tiến bộ theo chuẩn quốc tế của Luật Kế toán (sửa đổi) 2015 là quy định về chứng từ điện tử. Trên thế giới, chứng từ điện tử đã được áp dụng trong ngành kế-kiểm từ lâu vì tính thuận tiện trong việc lưu trữ, chuyển phát và tra cứu. Việt Nam sẽ chính thức áp dụng loại chứng từ công nghệ này kể từ ngày 01/01/2017 khi Luật Kế toán 2015 có hiệu lực.

Cụ thể, chứng từ điện tử được quy định tại Điều 17 Luật Kế toán 2015 phải đáp ứng yêu cầu ghi nhận đầy đủ các nội dung cơ bản của Chứng từ kế toán thông thường và các nội dung này được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa và không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.

Khi sử dụng chứng từ điện tử, đòi hỏi cần phải sử dụng chữ ký điện tử. Hiện nay, chữ ký điện tử đã được nhiều Doanh nghiệp sử dụng, tuy nhiên hình thức chữ ký công nghệ số này vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Các Doanh nghiệp nên cân nhắc việc sử dụng loại chữ lý này.

PV: Luật kế toán mới được quốc hội thông qua, vậy điểm đáng chú ý nhất và quan trọng nhất trong văn bản luật lần này là gì?

Luật Kế toán 2015 được ban hành ngày 20/11/2015, tuy nhiên đến thời điểm ngày 01/01/2017 mới chính thức có hiệu lực và thay thế Luật Kế toán 2003.

Theo tôi, điểm đáng chú ý nhất của Luật Kế toán 2015 đó là các nhà làm luật dành riêng một chương gồm 14 điều (từ Điều 57 đến Điều 70) để quy định về hoạt động dịch vụ kế toán.

Theo các quy định của Luật, có 03 loại hình doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ kế toán là: Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân và một chủ thể đặc biệt khác được phép kinh doanh dịch vụ kế toán là Hộ kinh doanh..

Đối với từng loại hình doanh nghiệp, sẽ có các điều kiện Luật định để Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Ví dụ đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì một trong các điều kiện quan trọng là Công ty phải có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề và Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề.

Luật còn giới hạn quyền của Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán không được phép góp vốn để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể các hình thức đề Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam như sau:

  • Một là, góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán;
  • Hai là, thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài;
  • Ba là, cung cấp dịch vụ qua biên giới theo quy định của Chính phủ.

 

PV: Doanh nghiệp mình đã chuẩn bị và có giải pháp gì để nguồn nhân sự của đơn vị có thể hội nhập và cạnh tranh với các đối thủ khác trên cùng lĩnh vực?

Là một Công ty Tư vấn Luật đứng trước thách thức chung của hội nhập khu vực hóa, Công ty chúng tôi đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực nhân sự như: tăng cường các buổi họp chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm và tích cực tổ chức các buổi đào tạo cho khối nhân sự trẻ tại Công ty.

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chính là tiêu chí chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của Công ty chúng tôi.

Chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm của các nhân viên. Công ty có chuyên viên về Công nghệ thông tin thường xuyên đào tạo các ứng dụng công nghệ để nhân viên áp dụng làm việc hiệu quả.

Ngoài ra, với đặc thù Doanh nghiệp nước ngoài chiếm phần lớn lượng khách hàng của Công ty, hơn nữa Công ty còn có rất nhiều đối tác thường xuyên là các Công ty, Văn phòng luật uy tín tại các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc… nên khả năng ngoại ngữ là yếu tố quyết định khi Chúng tôi tuyển dụng nhân sự. Ngoài yếu tố chọn lựa đầu vào là những hạt giống tốt, trong quá trình làm việc, Chúng tôi luôn chú trọng tới việc đào tạo nội bộ, thường xuyên mời giảng viên nước ngoài về đào tạo nâng cao khả năng sử dụng tiếng anh cho nhân sự tại Công ty.