TPP nên là nguồn tham khảo để sửa đổi các quy định về sở hữu trí tuệ

0
370

Theo ông Quách Minh Trí, Công ty Luật Baker & McKenzie, dù TPP có được tiếp tục hay không, thì các quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP cũng sẽ nguồn biện dẫn để sửa đổi các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này, bởi đây là những cam kết tiêu chuẩn cao, tiên tiến của thế giới mà Việt Nam nên học hỏi.

Ngày 25/11/2016, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP – EVFTA về sở hữu trí tuệ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và hội nhập, TPP có hay không, thì rà soát pháp luật, các cam kết quốc tế vẫn cần tiếp tục triển khai tích cực và thực thi sao cho phù hợp và có lợi đối với Việt Nam. Bà Trang cho rằng, đây là một quá trình thay đổi về nhận thức và tư duy để học những điều mới từ nền kinh tế thế giới.

Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mà các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là TPP và Liên minh châu Âu rất quan tâm và có những đòi hỏi cao. Điều này cho thấy, nếu Việt Nam có những điều chỉnh hợp lý trong lĩnh vực này thì khả năng thu hút đầu tư sẽ được tăng trưởng.

Vì thế, bà Trang cho rằng, cần thiết phải rà soát sự tương thích nhằm tìm kiếm những giải pháp bảo đảm đồng thời các mục tiêu thu hút đầu tư và thực thi cam kết, cũng như hỗ trợ các nhóm chủ thể ở Việt Nam.Mặt khác, việc nâng cao các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ theo các tiêu chuẩn đã cam kết của EVFTA và TPP đặt ra nhiều thách thức lớn cho Việt Nam cả về pháp luật và chi phí tuân thủ pháp luật.

Báo cáo của nhóm chuyên gia về Kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP – EVFTA về sở hữu trí tuệ cho thấy, phần lớn các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã tương thích với các quy định của TPP, do các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã tuân thủ các điều ước quốc tế đa phương và song phương đã ký trước đây, như: Công ước Paris, TRIPs, Hiệp định thương mại Việt Mỹ… Có thể kể đến các quy định, như: nguyên tắc chung, đối tượng bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm…

Ngược lại, nhóm cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích chiếm số lượng ít, chủ yếu liên quan đến các vấn đề mới hoặc dưới cách tiếp cận mới, biện pháp thực thi. Các trường hợp chưa tương thích điển hình, đó là: Bù đắp thời gian bảo hộ sáng chế; Dữ liệu bí mật và các dữ liệu khác; Sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm, sinh phẩm, nông hóa phẩm; Biện pháp công nghệ bảo vệ; Bảo vệ, sử dụng chỉ dẫn địa lý, hợp tác và minh bạch…

Đánh giá về tác dụng của việc rà soát, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật SB cho rằng, đây là cơ hội tốt để Việt Nam xem xét lại hệ thống luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trên cơ sở những điều khoản nào hợp lý thì chúng ta nên áp dụng, bỏ qua một bên những điều khoản chưa hợp lý.

Thực tế, theo ông Khương đánh giá, những cam kết trong TPP quy định về sở hữu trí tuệ có khá nhiều điều khoản rất phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam khi chỉ số về sáng tạo và phát triển của Việt Nam còn tương đối thấp.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Quách Minh Trí cũng cho rằng, dù TPP không tiếp tục, thì các quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP cũng sẽ nguồn biện dẫn để sửa đổi các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này, bởi đây là những cam kết tiêu chuẩn cao, tiên tiến của thế giới mà Việt Nam nên học hỏi. Còn đối với những cam kết đã tương thích thì không cần phải sửa đổi văn bản pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, nếu TPP không có, thì chúng ta có thể lựa chọn sửa đổi hay không sửa đổi. Tuy nhiên, nếu tiếp tục cải cách theo TPP, thì sẽ mang lại làn gió mới cho hệ thống pháp luật Việt Nam, nhưng với điều kiện phải có quyết tâm.Cụ thể, đối với các định nghĩa chuẩn hóa về quyền và các nhóm quyền, ông Trí đề xuất, Việt Nam nên áp dụng. Còn đối với các nhóm quyền sở hữu trí tuệ mới, như: dữ liệu thử nghiệm của nông hóa phẩm, thì cần phải xem xét có phù hợp với Việt Nam hay không.

“Tôi luôn hy vọng rằng, Việt Nam sẽ có lựa chọn đúng đắn và hợp lý vì lợi ích phát triển lâu dài”, bà Trang chia sẻ./.

Kim Hiền theo kinhtevadubao.vn