Trách nhiệm pháp lý khi vứt chất bẩn vào nhà người khác ?

0
526

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, mong Luật sư giải đáp giúp tôi trường hợp sau: Bố tôi có bị một bác bấm huyệt tay dẫn tới tách xương gây đau tay, sau đó bố tôi tức quá mà 1 tháng sau bố mới có hành động là 1h30 sáng đem phân đến cửa nhà bác này để rắc vào khe cửa. Bác này có camera quay lại. Tay bố tôi bây giờ vẫn còn đau và sưng. Bố tôi khăng khăng khẳng định là do bác này bấm bóp tay mà bố tôi mới bị vậy. Vậy tình huống này nếu công an vào cuộc thì sao ? Bố tôi phải chịu trách nhiệm gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

  1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự 2015;

– Nghị định 167/2013/NĐ – CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

  1. Nội dung tư vấn

* Đối với hành vi bố bạn rắc phân vào cửa nhà người bấm huyệt:

– Hành vi của bố bạn trong trường hợp này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi rắc phân vào cửa nhà hàng xóm thì theo Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ – CP về Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung thì bố bạn sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đó.

“Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

[…] 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác”

Ngoài ra bố bạn cũng sẽ phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể ở đây là khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi trên theo Điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

– Với hành vi rắc phân vào cửa nhà hàng xóm , nếu xét thấy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

  • Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tư, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  • Nếu như việc rắc phân vào nhà người khác là có tổ chức và tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

– Hành vi này gây ra tổn hại, hư hỏng đối với tài sản thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

* Đối với việc bố bạn bị bấm huyệt tay dẫn tới tách xương gây đau và sưng tay:

– Trong trường hợp này theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh và nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

  1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. […]”.

Về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

  1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
  2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Như vậy, bố bạn có quyền thương lượng về mức bồi thường với người bấm huyệt, nếu không tự thương lượng giải quyết được thì khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.