Tranh chấp đất đai giữa người thừa kế và người đang chiếm hữu đất đai

Tranh chấp đất đai giữa người thừa kế và người đang chiếm hữu đất đai

0
618

Câu hỏi: Năm 2020, ông A qua đời để lại di sản là quyền sử dụng 145m2 đất, là tài sản được cha mẹ tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Ông A đã ly hôn với vợ từ năm 1997. Cha mẹ ông A đều đã mất. Ông A có một người con là chị B. Sau khi ông A qua đời, chị B tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì bị bà C ngăn cản với vì cho rằng đất này đã được chuyển nhượng cho bà C. Hiện tại bà C cũng đang chiếm diện tích đất trên để sử dụng vào mục đích riêng. Hai bên xảy ra tranh chấp. Chị B nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH SB Law. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Tranh chấp giữa chị B và bà C là tranh chấp về đất đai nên phải thông qua thủ tục hòa giai trước khi khởi kiện.

Trường hợp hòa giải không thành, chị B có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết. Các vấn đề Tòa án có thể xem xét và đương sự cần chứng minh như sau:

Thứ nhất, về quyền thừa kế của chị B đối với diện tích đất tranh chấp:

  • Chứng minh nguồn gốc quyền sử dụng đất là thuộc sở hữu của ông A (thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương). Ông A được tặng cho riêng nên đây là tài sản riêng của ông A mà không phải là tài sản chung của vợ chồng.
  • Chứng minh chị B là người thừa kế duy nhất của ông A nên có quyền thừa kế di sản trên.

Cơ sở pháp lý:

Điều 613, Điều 614, Điều 651.1.a Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Điều 614. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Thứ hai, về tính hợp pháp của tài liệu, giấy tờ được bà C cung cấp để chứng minh quyền sử dụng đất này đã được chuyển nhượng cho bà C (nếu có).

Trường hợp chị B là người thừa kế duy nhất của ông A, đồng thời bà C không chứng minh được tính hợp pháp của giao dịch chuyển nhượng được cho là đã xác lập giữa ông A và bà C (bà B không có quyền đối với diện tích đất tranh chấp) thì bà C được xem là chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật, theo đó chị B có quyền khởi kiện đến Tòa án để đòi lại quyền sử dụng đất trên, căn cứ Điều 165 và 166 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 165. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật

Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Điều 166. Quyền đòi lại tài sản

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.”