Câu hỏi:
Nhà tôi có một miếng đất mặt tiền tỉnh lộ 952 ở An Giang, đất này do ông cố tôi để lại cho ông nội. Năm 1985 đến năm 2005 ông nội tôi giao cho ba tôi quản lý lô đất này. Ngặt nỗi, ngày xưa ở quê, đất chỉ nói bằng miệng, không kèm bất cứ giấy tờ nào. Nay, vì đau bệnh, ba tôi quyết định bán miếng đất này để lo bệnh cho ông nội tôi. Nhưng các em của ông nội tôi không chịu, với lí do đất cha mẹ để lại, ngăn không bán. Sau khi nghe hoà giải ở xã, các em của ông tôi vẫn không chịu và làm đơn kiện lên huyện.
Xin luật sư cho tôi hỏi: Đất này theo luật là của ai? Gia đình tôi có thể bán được hay không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật dân sự năm 2015 về tặng cho bất động sản thì:
“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.
Theo thông tin bạn trình bày thì việc tặng cho giữa ông cố và ông nội bạn chỉ bằng hình thức miệng mà không có văn bản tài liệu gì nên mảnh đất sẽ được xác định là di sản của ông cố bạn.
Hơn nữa, Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì một trong những điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, … là đất không có tranh chấp, trong khi mảnh đất mà ông cố bạn để lại đang có tranh chấp. Do đó, gia đình bạn không thể tự ý bán cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.