Để tránh tranh chấp phổ biến trong giao dịch mua bán nhà, đất

0
349

Đóng góp cho Bộ luật Dân sự sửa đổi, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật S&B đã nêu lên một số hạn chế khi áp dụng Bộ luật năm 2005, xuất phát từ thực tế trực tiếp tham gia tư vấn cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là đương sự trong các vụ án, vụ việc trước tòa.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận xét, về chế định Hợp đồng, thực tiễn áp dụng cho thấy, quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 vừa thừa lại vừa thiếu, khiến việc áp dụng khó khăn. Có những quy định quá cụ thể, lại có những quy định quá chung chung. Do vậy, Bộ luật Dân sự chỉ nên đề cập đến khung của hợp đồng dân sự nói chung, phù hợp với lĩnh vực của luật nào (ví dụ như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thương mại, …) thì để luật đó quy định chi tiết.Về quy định liên quan đến vấn đề hụi, họ, biêu, phường, Bộ luật Dân sựnăm 2005 đã có mục 4 về Hợp đồng vay tài sản tại Điều 479: “Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”.Trong thực tế, hình thức giao dịch này đang diễn ra khá sôi động, thậm chí còn có những ý tưởng đưa hụi, họ lên trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, do không được quản lý chặt bằng khung pháp lý, nên đã xảy ra nhiều vụ “vỡ hụi” khiến nhiều người tham gia mất trắng tài sản, người “ôm” hụi bỏ trốn để rồi bị xử lý hình sự về tội lừa đảo. Trước tình trạng đó, luật sư Thanh Hà kiến nghị nên quy định khung pháp luật cho vấn đề này trong Bộ luật, đồng thời cần có các văn bản dưới luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, cũng như đảm bảo sự quản lý của các cơ quan chức năng để quy định của pháp luật sống được trên thực tế.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện nay, đối với việc sở hữu các tài sản phải đăng ký thì chừng nào bên mua hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với Nhà nước mới được thừa nhận quyền sở hữu đầy đủ và trọn vẹn. Quy định đó đã làm xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp  rất khó giải quyết, hoặc thiệt thòi cho bên mua tài sản, vì nghĩa vụ trả tiền thì họ đã thực hiện xong, nhất là trong các giao dịch mua bán nhà, quyền sử dụng đất. “Vì vậy, Bộ luật nên quy định rõ thời điểm phát sinh quyền sở hữu đối với bên nhận chuyển quyền là khi bên bán đã nhận thanh toán đủ và tài sản đã được bàn giao sang cho bên mua quản lý” – luật sư Nguyễn Thanh Hà đề xuất.

Nguồn:  anninhthudo.vn/tu-van-phap-luat/de-tranh-tranh-chap-pho-bien-trong-giao-dich-mua-ban-nha-dat/594860.antd