Tư vấn về dán nhãn hàng hoá cho thiết bị vệ sinh

0
796

Hiện tại Khách hàng đang tiến hành nhập khẩu và kinh doanh phân phối các thiết bị vệ sinh gia dụng có xuất xứ từ Cộng hòa liên bang Đức (Sau đây gọi tắt là “Sản phẩm hàng hóa”).

Khách hàng mong muốn được tư vấn về các vấn đề dưới đây:

  • Để nhập khẩu Sản phẩm hàng hóa vào Việt Nam, Khách hàng cần chuẩn bị các giấy tờ gì?
  • Giữa Khách hàng và Đối tác cung cấp sản phẩm hàng hóa cần phải có các Hợp đồng hoặc tài liệu gì?
  • Sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam cần phải được dán nhãn như thế nào?
  • Sản phẩm khi lưu hành trên thị trường Việt Nam cần có những giấy tờ gì?
  • Việc quảng cáo “Sản phẩm thương hiệu Đức” có phù hợp với quy định pháp luật hay không?

1.CƠ SỞ PHÁP LÝ & Ý KIẾN TƯ VẤN PHÁP LUẬT

  • Cơ sở pháp lý

–    Luật Thương mại số 36/2005/QH11 của Quốc hội ngày 14 tháng 6 năm 2005;

    Luật Hải Quan số 54/2014/QH13 của Quốc hội ngày 23 tháng 6 năm 2014;

    Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

–    Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 4 năm 2017;

–    Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 25 tháng 3 năm 2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

–    Thông tư 15/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 15 tháng 9 năm 2014 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

2.      Ý kiến tư vấn pháp luật

2.1.   Các giấy tờ cần chuẩn bị để nhập khẩu

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hồ sơ thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm:

  • Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo mẫu quy định;
  • Hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
  • Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
  • Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ): 01 bản chính hoặc chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử;
  • Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Trong trường hợp này, các sản phẩm thiết bị vệ sinh bằng sứ và sen vòi thuộc diện phải công bố hợp quy. Do đó, khi tiến hành nhập khẩu, các sản phẩm này phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy theo quy định của pháp luật.

2.2. Giữa Khách hàng và đối tác cung cấp sản phẩm hàng hóa cần phải có hợp đồng hoặc tài liệu gì?

Dựa trên các thông tin do Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi xác nhận rằng, Quý Khách hàng nhập khẩu Sản phẩm hàng hóa từ nhà cung cấp dựa trên quan hệ mua đứt, bán đoạn. Do vậy, giữa Khách hàng và Nhà cung cấp cần phải có Hợp đồng mua bán hàng hóa.

2.3. Sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam cần phải được dán nhãn như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 4 năm 2017, sản phẩm phải được dán nhãn hàng hóa với các nội dung bắt buộc như sau:

– Tên hàng hóa;

– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

– Xuất xứ hàng hóa

– Thành phần;

– Thông số kỹ thuật;

– Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;

– Thông tin cảnh báo (nếu có).

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung bao gồm (i) Tên hàng hóa; (ii) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; (iii) Xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa, những nội dung khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

2.4.Sản phẩm khi lưu hành trên thị trường Việt Nam cần có những giấy tờ gì?

Những sản phẩm thiết bị vệ sinh, sen vòi nhập khẩu khi lưu hành trên thị trường Việt Nam cần phải có chứng từ thông quan, nhãn hàng hóa theo đúng quy định pháp luật và chứng nhận hợp quy.

2.5.Việc quảng cáo “Sản phẩm thương hiệu Đức” có phù hợp với quy định pháp luật hay không?

Việc quảng cáo sản phẩm thương hiệu Đức không vi phạm quy định của pháp luật. Chúng tôi xác nhận rằng, nhãn hiệu của Quý công ty đã được đăng ký bảo hộ tại Đức.