Tư vấn về thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam XNK và phân phối ôtô

0
459

Câu hỏi:

Bên mình muốn thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam xuất nhập khẩu và phân phối ôtô. Cho mình hỏi:

  • Điều kiện để được kinh doanh hoạt động trên như thế nào?
  • Trình tự, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của bạn, tôi xin tư vấn như sau:

  1. Điều kiện thực hiện kinh doanh xuất, nhập khẩu, phân phối ô tô và bảo dưỡng, sửa chữa ô tô.

Đối với hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa ô tô:

– Theo cam kết WTO mà Việt Nam đã tham gia, Công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài chưa được phép thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa ô tô.

Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu và phân phối: doanh nghiệp 100% vón nước ngoài được kinh doanh XNK và phân phối các loại ô tô mới trừ các loại sau:

– Ô tô tay lái bên phải (tay lái nghịch), kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay và xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân golf, công viên.

– Ô tô các loại đã thay đổi kết cấu, chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu hoặc bị đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ trong mọi trường hợp và dưới mọi hình thức.

Lưu ý: Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau:

– Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

– Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

  1. Trình tự, thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

Theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư 2014, Công ty 100% vốn nước ngoài để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam cần trải qua 2 thủ tục, bao gồm: Xin cấp GCN đăng ký đầu tư và GCN đăng ký doanh nghiệp, cụ thể:

Đối với thủ tục Đăng ký đầu tư:

– Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký tại Sở KH&ĐT cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án.

– Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, Sở KH&DDT xem xét cấp GCN đầu tư cho Doanh nghiệp.

– Hồ sơ bao gồm: (i) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư; (ii) Bản sao giấy xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư (bản sao GCN đăng ký kinh doanh và Điều lệ); (iii) Đề xuất dự án đầu tư; (iv) Bản giải trình đáp ứng các điều kiện đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài; (v) Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư (Trường hợp nhà đầu tư thành lập dưới 2 năm cần xác nhận của Ngân hàng về số tiền trong TK tối thiểu bằng với số vốn góp vào Công ty thành lập tại Việt Nam); (vi) Giải trình kinh tế kỹ thuật của dự án; (vii) Hộ chiếu người đại diện theo pháp luạt của nhà đầu tư; (viii) Hợp đồng hoặc thỏa thuận thuê địa điểm/trụ sở kèm theo giấy tờ chính minh về địa điểm thuê (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất, GCN ĐKKD của bên cho thuê, …).

Đối với thủ tục Đăng ký thành lập doanh nghiệp:

– Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký tại Sở KH&ĐT cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính Công ty.

– Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, Sở KH&ĐT xem xét cấp GCN đăng ký doanh nghiệp cho Doanh nghiệp.

– Hồ sơ bao gồm: (i) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; (ii) Điều lệ công ty; (iii) Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của từng đại diện theo ủy quyền; (iv) Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ của chủ sở hữu công ty; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; (v) Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền.

Lưu ý: Thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị kéo dài hơn trên thực tế do cơ quan có thẩm quyền phải tham vấn ý kiến của các ban ngành, bộ liên quan trước khi cấp phép.