Những vấn đề liên quan đến Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

0
403

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW trả lời phỏng vấn trên báo Đầu tư về những vấn đề liên quan đến Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Dưới đây là chi tiết của bài phỏng vấn:

Câu 1: Ngày 21/6/2017, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Ông đánh giá như thế nào về việc thông qua Nghị quyết này, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Trong bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đang có nguy cơ tăng trở lại, tôi nghĩ việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết.

Trước khi Nghị quyết này được thông qua, trong quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Thứ hai, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án rất chậm, chưa hiệu quả.

Thứ ba, nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài.

Thứ tư, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản VAMC; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển, …

Thứ năm, VAMC còn thiếu nguồn lực và cơ chế, chính sách, quy định pháp lý phù hợp để xử lý nhanh nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.

Đây là Nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua. Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu quy định cụ thể về các biện pháp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng; nâng cao vai trò, năng lực của VAMC.

 

Câu 2: Có điểm gì đáng chú ý trong Nghị quyết này, và sẽ giải quyết được bài toán gì của hệ thống ngân hàng, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Nghị quyết có hai nội dung quan trọng nhất, đó là trách nhiệm và quyền xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), các đơn vị, tổ chức có liên quan. Trong đó, Nghị quyết đã quy định các TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm, tạo điều kiện xử lý nhanh và hiệu quả nhất loại tài sản này cho cả TCTD và người nắm giữ tài sản bảo đảm.

Cụ thể:

  • Nghị quyết xử lý nợ xấu khẳng định lại quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB) của TCTD, bên nhận đảm bảo với thời hạn là 10 ngày sau khi bên giữ TSĐB không giao tài sản đảm bảo.
  • Nghị quyết cũng quy định cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng TSĐB của khoản nợ xấu của TCTD mà không yêu cầu văn bản xác nhận bên bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm.
  • Những quy định này sẽ giải quyết vướng mắc lớn nhất trong quá trình thu giữ TSĐB của TCTD, cũng như giúp các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, với giá bán cao hơn.
  • Nghị quyết cũng cho phép bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ nợ xấu của TCTD có quyền nhận thế chấp, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là TSĐB của khoản nợ đã mua, qua đó gỡ được các vướng mắc liên quan đến các khoản nợ có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đã được bán cho VAMC và các bên mua nợ khác.
  • Nghị quyết cũng giải quyết các vướng mắc theo quy định của pháp luật hiện tại liên quan đến các khoản nợ xấu bán cho VAMCcó TSĐB là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà các dự án BĐS chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có đủ giấy chứng nhận “quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.
  • Nghị quyết cho phép mua bán nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Quy định này sẽ giúp giá bán nợ xấu, tài sản đảm bảo cao hơn và thời gian xử lý nhanh hơn.
  • Việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các TCTD qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp và của nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
  • Những quy định của Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ mở nhiều cơ chế cho ngân hàng.

Câu 3:  Đối với thị trường bất động sản, theo ông, nghị quyết này sẽ có tác động như thế nào?

Luật sư trả lời:

Khi Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được thông qua, Nghị quyết này sẽ giúp làm lưu động hóa các tài sản bất động. Tức là các tài sản xưa nay không xử lý được, không chuyển nhượng được, không đầu tư được, không thanh lý được thì từ nay sẽ được lưu động được, mua bán được.

Nghị quyết này sẽ giúp giảm bớt sự dở dang của các công trình, tạo ra sản phẩm nhiều hơn và qua đó giảm bớt nguồn cung dư thừa. Những hình ảnh các tòa nhà đắp chiếu sẽ giảm đi, sự lãng phí của toàn xã hội sẽ được giải phóng. Thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn.

Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ tháo gỡ nút thắt, hỗ trợ cho xử lý tài sản thế chấp cầm cố thuận lợi hơn, minh bạch hơn chứ không phải để xóa nợ xấu ngân hàng.

Câu 4: Theo ông, còn điều gì cần tiếp tục bổ sung vào Nghị quyết?

Luật sư trả lời:

Tuy nhận định Nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết nhưng nó cũng không thể giải quyết tất cả các vấn đề trong quá trình xử lý nợ xấu.

Nghị quyết xử lý nợ xấu có mặt tích cực là ngân hàng được chủ động trong việc thu hồi nợ xấu nhưng có thể sẽ nảy sinh nhiều đơn thưa kiện từ phía khách hàng. Bởi sẽ có khách hàng tiếc của và phủ nhận toàn bộ quá trình thông báo nợ xấu mà ngân hàng đã thực hiện.

Nghị quyết cũng cần phải làm rõ việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản (như trường hợp nhân viên ngân hàng vi phạm trình tự, thủ tục hoặc làm mất mát, hư hỏng tài sản của người vay hoặc người thứ ba liên quan) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như đã trình bày ở trên, nghị quyết này chỉ tháo gỡ nút thắt, hỗ trợ cho xử lý tài sản thế chấp cầm cố thuận lợi hơn, minh bạch hơn chứ không phải để xóa nợ xấu ngân hàng. Vì thế, bản thân các ngân hàng cũng phải nâng cao chất lượng tín dụng, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

Để thực hiện tốt và hiệu quả Nghị quyết này, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị quyết xử lý nợ xấu.