Từ vụ mạo danh Thứ trưởng tư pháp để in sách: Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm gì?

0
497

Mới đây một số đối tượng đã mạo danh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh để in và phát hành sách “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính” do Nhà xuất bản Lao động liên kết với Nhà sách Dân Hiền xuất bản.

Theo Bộ Tư pháp, tháng 6-2021, Nhà Xuất bản Lao động đã liên kết Nhà sách Dân Hiền xuất bản và phát hành cuốn sách “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính” (gồm 2 tập), mạo danh Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh là chủ biên. Sau khi sự việc bị phát giác, Nhà xuất bản Lao động quyết định đình chỉ phát hành 2 cuốn sách nói trên, yêu cầu Nhà sách liên kết thu hồi toàn bộ số sách đã đưa ra thị trường.

Mặc dù vậy song một số cá nhân vẫn liên hệ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp chào mời mua cuốn sách này bất hợp pháp. Thậm chí còn giả danh là cán bộ của Bộ Tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật để chào mời.

Việc mạo danh Thứ trưởng không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, cá nhân Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh mà còn đến Bộ, ngành Tư pháp. Đặc biệt, với một cuốn sách được coi là cẩm nang trong áp dụng pháp luật. Nếu có những sai sót trong nội dung dẫn đến áp dụng sai, thiếu thống nhất sẽ gây những hậu quả khó lường. Hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ vụ việc.

Từ vụ mạo danh Thứ trưởng tư pháp để in sách: Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm gì? ảnh 1

Hai cuốn sách mạo danh mạo danh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh là chủ biên

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, gần đây, tình trạng mạo danh trong hoạt động xuất bản tiếp tục diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực liên kết xuất bản, gây bức xúc trong dư luận.

Về chế tài xử lý, theo Điều 21, Điều 22 Luật Xuất bản 2012 và Điều 10 Nghị định 195/2012/NĐ-CP, việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định. Nội dung đăng ký xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản. Nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đăng ký xuất bản.

​Đối chiếu quy định trên, việc xuất bản tác phẩm chỉ được thực hiện có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Trường hợp xuất bản ấn phẩm không đúng với nội dung xác nhận đăng ký xuất bản về tên tác phẩm, tên tác giả, tên dịch giả (nếu có), thể loại, ngữ xuất bản, đối tác liên kết đối với từng xuất bản phẩm sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng (Khoản 2 Điều 23 Nghị định 119/2020/NĐ-CP).

Nếu liên kết xuất bản, tái bản tác phẩm, tài liệu nhưng không có văn bản hợp pháp chứng minh đã được sự chấp thuận của chủ sở hữu quyền tác giả đối với từng tên xuất bản phẩm sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 15-20 triệu đồng nếu xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm nhưng không có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật đối với từng xuất bản phẩm. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải buộc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm.

Link bài viết: https://anninhthudo.vn/tu-vu-mao-danh-thu-truong-tu-phap-de-in-sach-nha-xuat-ban-phai-chiu-trach-nhiem-gi-post480559.antd