SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của luật sư Nguyễn Thanh Hà tại hội nghị của Sở khoa học và công nghệ Hưng Yên.
Kính thư các vị đại biểu và các vị khách quý.
Ngày hôm nay, tôi rất vui khi được tham gia hội nghị này và cũng xin chúc mừng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hưng Yên đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa nhãn Hưng Yên và cũng mong UBND tỉnh Hưng Yên sẽ sớm được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Nhãn Lồng Hưng Yên
1.Vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển thị trường cho sản phẩm Mật ong hoa nhãn và Nhãn lồng Hưng Yên
SBLAW là một công ty tư vấn và đại diện sở hữu trí tuệ, hiện tại chúng tôi đã và đang hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục sở hữu trí tuệ và tiến hành thủ tục duy trì phát triển nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản tại Hà Nội như sau:
- NHTT “Cổ đường Hoàng Long” của UBND xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên);
- NHTT “Gạo thơm Bối Khê – Tam Hưng” của Hợp tác xã nông nghiệp xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai);
- NHTT “Bưởi Phúc Thọ” của Hội nông dân huyện Phúc Thọ;
- NHTT “Phật Thủ Đắc Sở” của Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức);
- NHTT “Gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” của Hội nông dân huyện Sóc Sơn;
- NHTT “Bưởi Chương Mỹ” của Hội nông dân huyện Chương Mỹ;
- NHTT “Chuối Vân Nam” của Hợp tác xã nông nghiệp xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ);
- NHTT “Chuối Cổ Bi” của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm);
- NHTT “Chè Long Phú” của Hợp tác Long Phú (huyện Quốc Oai) – Đơn đăng ký đang được Cục SHTT thẩm định.;
- NHTT “ Rau an toàn Tiền Lệ” của HTX nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) – Đơn đăng ký đang được Cục SHTT thẩm định.
Qua kinh nghiệm của chúng tôi triển khai các dự án cho thành phố Hà Nội, chúng tôi thấy rằng vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển thị trường cho sản phẩm Mật ong hoa nhãn và Nhãn lồng Hưng Yên là rất quan trọng.
Với việc ghi nhận từ Cục sở hữu trí tuệ, các sản phẩm này đã được nhà nước chính thức thừa nhận về sở hữu, tránh hành vi làm giả, làm nhái của các tổ chức và cá nhân khác.
Việc được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người tiêu dùng biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm;
Bên cạnh đó, việc đăng ký sẽ giúp cho việc xây dựng các chương trình truyền thông cho thương hiệu được hiệu quả. Việc tiến hành quảng cáo sản phẩm cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Việc bảo hộ còn tránh nguy cơ mất thị trường, đặc biệt hơn nữa là sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên cũng là một sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, mong trong thời gian tới, sản phẩm sẽ được bảo hộ ở nước ngoài.
Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của địa phương, từ đó tăng thu nhập cho bà con từ việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể;
2.Những lưu ý về pháp lý cho các sản phẩm đặc sản nông sản khi tham gia thị trường.
Việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của tỉnh Hưng Yên mới là giai đoạn đầu, để các sản phẩm này mang lại lợi ích thực sự cho người dân và cho địa phương thì chủ sở hữu cần quan tâm tới vấn đề sau:
Thứ nhất: Đây là một tài sản sở hữu trí tuệ của cộng đồng, sử dụng tên gọi của địa phương là tỉnh Hưng Yên, vì vậy, chủ sở hữu và đơn vị được giao quản lý nhãn hiệu cần phải có các hội nghị tập huấn để các thành viên và hội viên thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình được đề cập trong quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Thứ hai: Những sản phẩm của tỉnh Hưng Yên như mật ong, nhãn đều là những sản phẩm thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân vì vậy chủ sở hữu và người dân cần quan tâm và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chế biến thực phẩm, những hành vi này đang bị xã hội lên án và chịu những chế tài rất nặng.
Thứ ba: Chủ sở hữu cũng cần tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết nhằm chống lại các hành vi vi phạm nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, như hành vi làm hàng giả, mạo danh, chỉ có xử lý cương quyết thì mới có thể đem lại lòng tin của người tiêu dùng cho sản phẩm của địa phương.
Thứ tư: Hiện nay, niềm tin của người tiêu dùng đang xuống rất thấp đối với những sản phẩm thực phẩm, vì vậy, chủ sở hữu cần tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, nếu có vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì cương quyết xử lý, không cho sử dụng nhãn hiệu trong kinh doanh.
Thứ năm: Để tránh mất thị trường xuất khẩu, cũng mong Hưng Yên có kế hoạch đăng ký nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài.
3.Hoạt động hỗ trợ từ các tổ chức tư vấn về luật cho các chủ sở hữu nhãn hiệu để đảm bảo đăng ký và quản lý sử dụng tốt nhất nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Để các sản phẩm của Hưng Yên được đưa ra thị trường, vai trò của các tổ chức tư vấn về sở hữu trí tuệ rất quan trọng, các công việc mà các tổ chức tư vấn có thể hỗ trợ chủ sở hữu như sau:
- Điều tra tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm dự định đăng ký nhãn hiệu tập thể, chứng nhận của địa phương;
- Tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Chủ sở hữu NHTT, chứng nhận, các tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý tưởng thiết kế mẫu nhãn hiệu đăng ký;
- Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHTT, nhãn hiệu chứng nhận;
- Tổ chức hội nghị thông qua để thống nhất mẫu nhãn hiệu và quy chế của NHTT, nhãn hiệu chứng nhận;
- Chuẩn bị tài liệu, làm thủ tục xin phép sử dụng địa danh từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục SHTT;
- Theo dõi tình trạng đơn và thúc đẩy để đơn sớm được cấp văn bằng bảo hộ từ Cục SHTT.
- Tổ chức tập huấn về quy chế sử dụng nhãn hiệu khi nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ.
- Tiến hành điều tra, xử lý các vi phạm nhãn hiệu để đem lại lòng tin cho người tiêu dùng.
- Tư vấn về các quy định về mã số, mã vạch, các quy định về tem nhãn, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong các công việc nêu trên, chúng tôi nhấn mạnh đến hoạt động hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức tư vấn cho địa phương nhằm duy trì và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ cho các địa phương sau khi nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Chúng tôi nhấn mạnh rằng hiện tại, nhiều địa phương hiện nay chỉ chú trọng công tác xác lập quyền đối với các tài sản sở hữu trí tuệ mà chưa chú trọng tới việc phát triển thương hiệu, hy vọng Hưng Yên sẽ phát triển được các thương hiệu của địa phương bằng các việc làm sau:
- Chủ sở hữu tiến hành nghiêm túc và có một ngân sách đủ lớn để tiến hành việc duy trì sản phẩm.
- Không tiến hành hình thức mà tiến hành thường xuyên, thực chất, hỗ trợ bà con nông dân thực sự.
- Học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài trong việc quản lý và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ để áp dụng vào các tài sản của Hưng Yên.
- Rút ra các bài học thất bại của các địa phương khác để giúp chủ sở hữu cải thiện, hoàn thiện quy trình.
Có thể nói, Hưng Yên từ lâu đã rất nổi tiếng với các sản phẩm nhãn lồng, thật sự không khó để tiến hành quảng bá tên sản phẩm, tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là việc quản lý được chất lượng sản phẩm, tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng và từ đó nâng cao thu nhập cho người dân mới là điều quan trọng. Tôi hy vọng Hưng Yên sẽ làm được việc đó.
Xin chân thành cảm ơn các quy vị đại biểu.