Văn bản hướng dẫn thi hành luật doanh nghiệp 2020.

0
1281

Nghị định số 47/2021/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2021. 

Với 35 điều chia thành 05 chương, Nghị định 47 hướng dẫn, bổ sung các nội dung về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, có những nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Trước đây, việc công bố thông tin phải được thực hiện đồng thời qua các phương tiên sau:

  • Đối với doanh nghiệp, phương tiện công bố thông tin gồm: Báo cáo bằng văn bản, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật;
  • Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, phương tiện công bố thông tin gồm: Hệ thống tiếp nhận thông tin, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật;
  • Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương tiện công bố thông tin gồm: Hệ thống tiếp nhận thông tin, Cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ (http://www.business.gov.vn), ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, hiện nay, quy định về công bố này đã được giản lược, cụ thể tại Khoản 2 Điều 21 quy định các phương tiện báo cáo, công bố thông tin bao gồm:

  • Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
  • Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
  • Cổng thông tin doanh nghiệp.

Đây là một trong những thay đổi của Nghị định 47 so với Nghị định 81/2015/NĐ – CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước

Ngoài ra, Nghị định 47/2021/NĐ-CP cũng đã loại bỏ quy định về ngôn ngữ công bố thông tin và bổ sung nội dung về thông tin công bố định kỳ của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, về sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty. Điều 12 Nghị định 47 quy định việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp bao gồm trường hợp sau:

  • Cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới
  • Cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập
  • Cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước theo khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020 là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

Nghị định này ra đời thay thế hoàn toàn các văn bản như: Nghị định 81/2015/NĐ – CP Về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định 93/2015/NĐ – CP Về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Nghị định 96/2015 Hướng dẫn Luật Doanh nghiệp và Quyết định 35/2013/QĐ – TTg Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trên đây là một vài điểm đáng chú ý của Nghị định 47/2021/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp. Độc giả có thể tìm thêm các bài viết khác có chủ đề liên quan tại đây.