Vấn đề ủy quyền trong tố tụng thực hiện ly hôn

0
550

Câu hỏi: Tôi và chồng tôi làm đăng ký kết hôn năm 2010, sau đó từ tháng 6 năm 2015 thì hai vợ chồng qua Mỹ vì tôi đi du học. Vì nhiều mâu thuẫn không thể hoà giải nên chúng tôi quyết định ly hôn. Cả hai vẫn đang ở Mỹ nhưng hai tiểu bang khác nhau và chồng tôi mới gửi đơn thuận tình ly hôn qua email. Anh ấy nói tôi điền thông tin ký tên rồi gửi về địa chỉ nhà ở Mỹ của anh. Trong đơn tôi thấy chồng tôi sẽ nộp lên toà án nhân dân nên có nghĩa là ảnh sẽ làm ở Việt Nam và có thể là nhờ cha mẹ anh đại diện giùm. Tôi cũng đồng ý với chuyện này nhưng chỉ có một điều là tôi không muốn ghi ra địa chỉ hiện tại nơi tôi đang sống. Vì trong quá chung sống hai bên xảy ra nhiều xung đột cả lời nói lẫn hành động và tính chồng tôi nóng nảy, kiềm chế kém nên tôi rất lo lắng. Từ hơn 1 năm nay anh ta không biết chính xác tôi đang ở đâu. Vậy nên xin được hỏi là nếu tôi không ghi ra địa chỉ hiện tại có hợp lệ không và nếu anh ta sẽ làm ở VN thì tôi có thể nhờ người thân đại diện đứng ra ký tên được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc không ghi địa chỉ trong đơn ly hôn

Theo Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nội dung đơn khởi kiện cần có các thông tin sau:

 “Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

….

4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện”.

Khi gửi đơn yêu cầu ly hôn, bạn phải ghi thông tin đia chỉ cư trú hoặc nơi làm việc của mình để nhằm mục đích Tòa án xác định thẩm quyền giải quyết và gửi các thông báo đến phía bạn trong quá trình thực hiện thủ tục giải quyết ly hôn.

Thứ hai, vấn đề ủy quyền trong tố tụng thực hiện ly hôn

Bạn phải tự mình thực hiện thủ tục ly hôn, không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình theo Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

 Điều 85. Người đại diện

1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.

3. Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.

Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.

4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.