Về việc vi phạm thời lượng quảng cáo của các đài truyền hình.

0
1063

Gần đây, việc quảng cáo trên các kênh truyền hình lớn như VTV, VTC với lượng thời gian rất nhiều và liên tục khiến cho người xem cảm thấy khá khó chịu và gây bức xúc. Vậy, Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc quảng cáo trên sóng quốc gia như thời lượng quảng cáo, nội dung quảng cáo,…

Và quy định như thế nào về xử lý hành vi vi phạm về quảng cáo. Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW trả lời tạp chí luật sư Việt Nam. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn.

Trả lời:

Thứ nhất, những quy định hiện hành về việc quảng cáo trên sóng quốc gia

Thời lượng quảng cáo là thời gian phát sóng các sản phẩm quảng cáo trong một kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; thời gian quảng cáo trong tổng thời gian của một chương trình văn hoá, thể thao; thời gian quảng cáo trong một bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.

Thời lượng quảng cáo

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Luật Quảng cáo năm 2012thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng và thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

Nội dung quảng cáo

Đối với nội dung quảng cáo, Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo, và phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình

a) Chương trình thời sự;

b) Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Phim truyện và chương trình vui chơi giải trí

Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

Hình thức quảng cáo chạy chữ hoặc chuỗi hình ảnh chuyển động

Sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.

Thứ hai, những quy định hiện hành về xử lý hành vi vi phạm về quảng cáo

Nội dung quảng cáo

Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo trên báo nói, báo hình mà không có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

Hình thức quảng cáo chạy chữ hoặc chuỗi hình ảnh chuyển động

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bằng hình thức chạy chữ hoặc chuỗi hình ảnh chuyển động mà sản phẩm quảng cáo không đặt sát phía dưới màn hình hoặc vượt quá 10% chiều cao màn hình và gây ảnh hưởng tới các nội dung chính trong chương trình theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Những vi phạm về thời lượng quảng cáo, phát sóng quảng cáo trong những chương trình cấm quảng cáo, vượt giới hạn quảng cáo trong phim truyện hoặc chương trình vui chơi giải trí, không có giấy phép phổ biến phim

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (Khoản 3 Điều 40 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP):

a) Quảng cáo vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

b) Quảng cáo trên truyền hình trả tiền quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

c)Quảng cáo trong chương trình thời sự;

d)Quảng cáo trong chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc;

đ) Quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình;

e)Quảng cáo quá bốn lần trong mỗi chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

g)Quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

h) Chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình.

Không có giấy phép quảng cáo

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi được đề cập bên trên.

Luật sư có đánh giá gì về thực trạng quảng cáo tràn lan trên sóng truyền hình quốc gia hiện nay, việc này liệu có vi phạm quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Trong quá trình kinh doanh thì quảng cáo là một trong những hoạt động gắn liền với doanh nghiệp, là phương thức để đưa sản phẩm, dịch vụ có thể tiếp cận với người tiêu dùng, đồng thời cũng là quyền của tổ chức, cá nhân được ghi nhận tại Điều 12 Luật Quảng cáo năm 2012.

Do đó, việc quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia khi đã có sự chấp thuận của các bên liên quan và phù hợp với quy định thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Sự phù hợp ở đây được đánh giá trên hai yếu tố: một là đã đáp ứng các điều kiện quảng cáo; hai là không thuộc các trường hợp bị cấm.

Điều kiện quảng cáo được quy định cụ thể tại Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012. Trong đó, có các yêu cầu như tổ chức, cá nhân quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; …

Các trường hợp cấm được quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo, có thể kể đến như: Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; …

Tuy nhiên, qua theo dõi một số chương trình truyền hình hiện nay, đặc biệt là những bộ phim hay, những chương trình truyền hình thực tế, chúng tôi nhận thấy việc một chương trình vi phạm thời lượng quảng cáo là rất phổ biến, một bộ phim 45 phút nhưng quảng cáo đến 3 đến 4 lần, trước, trong và sau khi phát sóng, gây ra tình trạng khó chịu cho khán giả truyền hình.

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng hiện nay chưa được chấn chỉnh và còn tiếp diễn ở mức phổ biến.

Một số đề xuất nhằm hoàn thiện việc quản lý quảng cáo trên sóng quốc gia.

Trả lời:

Nguồn thu chủ yếu cho các đài truyền hình tồn tại và phát triển vẫn là doanh thu từ hoạt động quảng cáo. Để tránh những trường hợp vi phạm về quảng cáo theo tôi, các cơ quan chức năng nên thực hiện các biện pháp sau:

  1. Tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối các quy định về quảng cáo, đặc biệt là thời lượng không vượt quá quy định của luật.
  2. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, các đài truyền hình chủ động trong việc đề xuất và thay đổi các quy định của pháp luật hiện hành về thời lượng quảng cáo để cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.
  3. Xử phạt nếu có tình trạng vi phạm pháp luật về quảng cáo đặc biệt là thời lượng quảng cáo trong mỗi chương trình.