Bộ luật dân sự 2005 không có quy định về đặt tên người nên tên người được đặt tự do, được lựa chọn theo phong tục tập quán. Ngoài tên gọi, con người còn có các dấu hiệu nhận dạng khác đi kèm để phân biệt, tránh nhầm lẫn.
Trong khi đó, tên doanh nghiệp là một tài sản của doanh nghiệp, nằm trong kết cấu tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp, là uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chi phí để quảng bá uy tín của doanh nghiệp, thông qua tên của doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường nên tên doanh nghiệp phải được pháp luật bảo hộ trên toàn quốc, nơi doanh nghiệp hoạt động.
Do đó, khoản 1 Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định cấm đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Đương nhiên với quy định này thì tên doanh nghiệp phải được bảo hộ trên toàn quốc, nhưng hiện nay chưa có điều kiện để bảo hộ tên doanh nghiệp trên toàn quốc mà chủ yếu bảo hộ trong địa bàn tỉnh, vì thế một công ty ở tỉnh này có thể bị trùng tên với một công ty ở tỉnh khác.
Việc cơ quan đăng ký kinh doanh cấp trung ương chưa có danh sách tên các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trên toàn quốc để các doanh nghiệp lựa chọn tên khi đặt tên cho doanh nghiệp mình là một sự chậm trễ đáng tiếc. Càng chậm trong việc tránh trùng tên doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc sẽ càng gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp và càng rủi ro lớn khi nước ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Vì vậy, Luật Doanh nghiệp 2005 có ba điều (Điều 33, Điều 34, Điều 35) quy định về tên doanh nghiệp. Hiện nay thì không được đặt tên trùng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc không cấm đặt tên trùng trong phạm vi toàn quốc gây ra nhiều bất cập. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 43/2010/NĐ – CP thì việc chống đặt tên doanh nghiệp trùng , gây nhầm lẫn trong phạm vi toàn quốc được thực hiện kể từ ngày 01/01/2010. Trước thời điểm này việc chống đặt tên trùng, gây nhầm lẫn có thể được thực hiện trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh.