Về các hành vi bị cấm quy định tại Điều 11 Luật Doanh nghiệp 2005

0
299

Cơ quan đăng ký kinh doanh khi xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh đối chiếu các giấy tờ xác nhận tư cách công dân của người thành lập và quản lý doanh nghiệp như hộ chiếu, chứng minh nhân dân mà không thấy có dấu hiệu là giả mạo thì coi như hợp lệ về phần nhân thân; nếu các hồ sơ khác đều hợp lệ thì cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ về nhân thân, cần xác minh thì yêu cầu cơ quan công an xác minh, nhưng vẫn tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đúng thời hạn quy định, khi nào có xác minh cụ thể của cơ quan công an thì khi đó sẽ xử lý: Yêu cầu đính chính bổ sung hồ sơ hoặc khi thấy hồ sơ là giả mạo thì có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 53/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Trong trường hợp đó, cơ quan đăng ký kinh doanh không bị coi là cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người không đủ điều kiện.

Trên thực tế thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005,nguyên tắc này đã bị vi phạm, các cơ quan đăng ký kinh doanh thường bị áp lực của các cơ quan thanh tra kết luận bị vi phạm pháp luật. Nếu không có sự thống nhất nhận thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước thì cơ quan đăng ký kinh doanh có thể viện dẫn sợ vi phạm các hành vi bị cấm để hạn chế hoặc gây khó dễ cho người thành lập doanh nghiệp. Giải pháp tốt nhất là phải phân định rõ chức năng xác định nhân thân là thuộc thẩm quyền của cơ quan công an.

Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh.