Việt Nam đã có Luật đầu tư công.

0
499

Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 được ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2014 với mục đích nhằm tạo hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Luật Đầu tư công gồm có 6 Chương, 108 Điều quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Các lĩnh vực đầu tư công bao gồm: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; Đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó Luật đầu tư công 2014 căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C và lập tiêu chí phân loại riêng đối với từng nhóm dự án.

Luật đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc giá, dự án quan trọng quốc gia theo đúng định hướng, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển.

Đồng thời, hạn chế và dần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công. Thực hiện phân cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; quy định các nội dung, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án.

Luật đầu tư công đã dành riêng một chương quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm.

Việc lập kế hoạch cần phải phù hợp với các mục tiêu phát triển tại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm và hằng năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.

Việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch đã được phê duyệt. Không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công. Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành.