Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về “Vụ hơn 40 người Việt trốn khỏi casino ở Campuchia: Cần làm rõ hành vi mua bán người” trên báo An ninh Thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Như ANTĐ đã đưa tin, liên quan đến vụ hơn 40 người Việt trốn khỏi casino ở Campuchia, cơ quan công an đã khởi tố bị can 2 đối tượng về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Song theo các chuyên gia pháp lý, trong vụ việc này còn có dấu hiệu của Tội mua bán người.
Hai đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam là Nguyễn Thị Lệ, 42 tuổi và Lê Văn Danh, 34 tuổi, cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú. Theo cơ quan công an, ngoài việc đưa 6 người xuất cảnh trái phép qua Campuchia, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia để làm việc tại casino.
Với việc bị khởi tố về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS 2015 sửa đổi), tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, các đối tượng có thể đối diện với mức án tù từ 1-15 năm.
Làm rõ băn khoăn của nhiều người dân “liệu trong vụ việc này, 2 đối tượng có bị xem xét về hành vi mua bán người hay không”, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 150 BLHS 2015, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động… tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 5-20 năm.
Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu: Có hành vi mua bán người để thu lợi bất chính, thể hiện dưới hình thức dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác để đổi lấy người (nhằm đem bán) hoặc ngược lại để thu lợi; Người bị hại phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện xong hành vi mua bán người. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không phụ thuộc vào việc bị hại có biết hay không biết mình bị mua bán. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều luật trên cũng nêu rõ, các “thủ đoạn khác” trong Tội mua bán người gồm: Bắt cóc; Cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi; Lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; Lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân…
Nếu có đủ căn cứ cho rằng các đối tượng trực tiếp hoặc giúp sức cho việc thực hiện các hành vi khách quan của “Tội mua bán người” nêu trên, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này – Luật sư Thu nhấn mạnh.
Trường hợp bị kết án về 2 tội là Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và Tội mua bán người thì việc tổng hợp hình phạt được thực hiện theo Điều 55 BLHS 2015 sửa đổi.
Cũng theo Luật sư Thu, do hình phạt quy định với hai tội danh này đều là phạt tù có thời hạn, nên nếu được xét xử cùng 1 lần, Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với từng tội và được cộng lại thành hình phạt chung nhưng không được vượt quá 30 năm tù.
Với hình phạt bổ sung, nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do BLHS quy định đối với loại hình phạt đó. Riêng với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung; còn nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.