Xác định thiệt hại thực tế trong tranh chấp sở hữu trí tuệ.

0
408

Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi bị thiệt hai do hành vi vi phạm nhãn hiệu của một bên thứ 3, chúng tôi muốn bối thường thiệt hại, vậy thiệt hại thực tế được hiểu thế nào? Mong SBLAW tư vấn cho chúng tôi?

Luật sư trả lời:  Liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi trân trọng gửi đến Quý công ty ý kiến tư vấn như sau:

a. Về xác định loại thiệt hại

Theo nguyên tắc chung, việc bồi thường thiệt hại phải dựa trên thiệt hại thực tế đã xảy ra. Để xác định được thiệt hại thực tế đã xảy ra, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cần căn cứ vào các quy định có liên quan trong lĩnh vực này. Cụ thể là các quy định tại Điều 204 và 205 của Luật sở hữu trí tuệ và các quy định tại các điều từ Điều 16 – Điều 20 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 119/2010/NĐ-CP của Chính Phủ (Sau đây gọi chung là “Nghị định 105”).

Theo các quy định đã được viện dẫn nêu trên, có thể thấy thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ gồm các loại sau:

+ Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;

+ Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.

Đối với thiệt hại về vật chât, theo quy định tại các điều 17, 18 và 19 của Nghị định 105 thì sẽ bao gồm các loại thiệt hại sau:

+ Tổn thất về tài sản;

+ Giảm sút về thu nhập, lợi nhuận;

+ Tổn thất về cơ hội kinh doanh.

Cũng theo các quy định đã viện dẫn của Nghị định 105 thì:

+ Tổn thất về tài sản “được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ”.

+ Giảm sút về thu nhập, lợi nhuận: Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận cần phải được tính dựa theo một hoặc trong các căn cứ theo quy định tại khoản 2 của Điều 18 của Nghị định 105, cụ thể cần phải (i) so sánh trực tiếp mức thu nhập, lợi nhuận thực tế trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm, tương ứng với từng loại thu nhập quy định tại khoản 1 Điều này; (ii) so sánh sản lượng, số lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; và (iii) so sánh giá bán thực tế trên thị trường của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm.

Trong trường hợp này, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải đưa ra được bảng so sánh trực tiếp đáng tin cậy theo các căn cứ đã nêu.

+ Tổn thất về cơ hội kinh doanh: theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 105, các cơ hôi kinh doanh bao gồm (i) khả năng thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh; (ii) khả năng thực tế cho người khác thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; (iii) khả năng thực tế chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cho người khác; và (iv) cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra.

b. Xác định mức thiệt hại

Theo quy định tại Điều 205 của Luật sở hữu trí tuệ thì:

1. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:

a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;

b) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;

c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

2. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại.

3. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Trên thực tế, việc chứng minh được mức độ thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là rất khó khăn và chưa có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng.

Quý công ty vui lòng cung cấp cho chúng tôi thông tin chi tiết về vụ việc mà Quý công ty đang xử lý để chúng tôi có thể cung cấp ý kiến tư vấn cụ thể hơn về vấn đề này.

Trên đây là ý kiến của chúng tôi về vấn đề mà Quý công ty đang đang quan tâm. Nếu Quý công ty vấn đề nào cần trao đổi hoặc giải thích thêm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác nhiệt tình của Quý Công ty.