Trả lời: Giết người là hành vi cố ý tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật. Đối tượng tác động của tội giết người là thân thể con người đang sống. Trong đó, cuộc sống của một con người được tính từ thời điểm được sinh ra cho đến khi chết đi. Thai nhi không được xem là một con người đang sống cho đến khi được sinh ra và còn sống nên hành vi xâm hại thai nhi không được xem là hành vi giết người.
Tuy vậy, việc xâm hại bào thai có thể thực hiện qua hành vi cố ý gây tổn hại đến sức khỏe của người phụ nữ đang có thai (Điều 104 Bộ luật Hình sự) hoặc là hành vi giết phụ nữ mà biết là có thai (Điểm b Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự) hoặc hành vi phá thai trái phép (Điều 243 Bộ luật Hình sự).
Về hành vi cố ý gây tổn hại đến sức khỏe của người phụ nữ đang có thai, Điều 104 BLHS quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11%-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phá thai trái phép theo Điều 243 BLHS. Theo đó, người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người đó… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-10 năm…
Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội