Xây dựng, quản lý các công trình văn hóa – thể thao

0
185

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật Đầu tư công không cho phép tư nhân xây dựng, quản lý các thiết chế văn hoá – thể thao. Dưới đây là bài phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề trên. Mời quý khách hàng theo dõi.

1/ Thưa ông, hiện tại, nước ta còn thiếu các SVĐ quy mô, hiện đại theo mô hình quốc tế. Điều này được cho là do chúng ta chưa có cơ chế cho phép tư nhân được đầu tư, quản lý các công trình văn hóa – thể thao. Ông đánh giá sao về điều này?

Trả lời:

Hiện nay, chúng ta còn thiếu các SVĐ đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp. Liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác các công trình văn hóa – thể thao, từ khi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP được ban hành, hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn, gần như không thực hiện được, ảnh hưởng đến việc tự chủ, hoạt động của các công trình này.

Bên cạnh đó, có những công trình văn hóa, thể thao nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư, nhưng cũng có những công trình văn hóa, thể thao muốn phát huy lại không có cơ chế đầu tư vì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công chưa cho phép tư nhân được đứng ra, chủ động đầu tư và quản lý các công trình. Ngoài ra, Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư cũng chưa quy định phạm vi đầu tư đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao gây hạn chế cho các nhà đầu tư tư nhân trong việc tiếp cận để đầu tư cho các công trình thuộc lĩnh vực này.

Xây dựng quản lý các công trình văn hóa - thể thao
Xây dựng quản lý các công trình văn hóa – thể thao

2/ Không chỉ thiếu những cơ chế cho phép tư nhân đầu tư, quản lý các công trình thể thao, Ban Quản lý các SVĐ được tự chủ tài chính cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc xã hội hoá nhằm tăng nguồn thu. Theo ông lý do của điều này là gì ạ?

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến việc mặc dù đã được trao quyền tự chủ tài chính như BQL các sân vận động vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc xã hội hóa nhằm tăng nguồn thu, đầu tiên phải là do việc thiếu năng lực và kinh nghiệm. BQL các SVĐ thường được thành lập từ các cơ quan nhà nước, là đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính. Do vậy, khả năng tiếp cận nguồn vốn, thị trường và các kênh quảng bá hiệu quả cũng còn hạn chế, so với các doanh nghiệp tư nhân. Họ thường thiếu kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân và khai thác tiềm năng thương mại của các SVĐ. Mục tiêu hoạt động cùng là một phần nguyên nhân, khi doanh thu không phải là mục tiêu chính.

Mục tiêu chính của Ban Quản lý các SVĐ thường tập trung vào việc tổ chức các hoạt động thể thao, đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ cộng đồng. Việc ưu tiên các hoạt động thể thao có thể dẫn đến việc hạn chế khai thác tiềm năng thương mại của SVĐ, ví dụ như cho thuê mặt bằng quảng cáo, tổ chức sự kiện thương mại. Do đó, họ có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa mục tiêu này với việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Việc quản lý tài chính của Ban Quản lý các SVĐ thường tuân theo quy định của nhà nước, với nhiều thủ tục rườm rà và thiếu linh hoạt. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định đầu tư, hợp tác và khai thác nguồn thu.

 

Ls Nguyen Thanh Ha - Xây dựng quản lý các công trình văn hóa - thể thao
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chỉ tịch công ty luật SBLAW

3/ Câu chuyện xã hội hoá các SVĐ là chủ trương đã có từ lâu nhằm tối ưu hóa nguồn thu, tránh lãng phí tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông đâu là giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trên?

Trả lời:

Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa – thể thao, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, các cơ quan quản lý cần một hướng đi mới, một tư duy khác, nhất là tạo cơ chế, chính sách mở để huy động hiệu quả nguồn lực ngoài Nhà nước.

Đồng thời, cần có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách đầu tư hợp tác công tư trong quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao, các công trình văn hóa.

Có thể cân nhắc về việc chia sẻ lợi nhuận với các nhà đầu tư tư nhân theo tỷ lệ hợp lý trong khai thác sân. Cũng như áp dụng cơ chế mới để tạo điều kiện cho Ban Quản lý SVĐ linh hoạt trong việc đưa ra quyết định đầu tư, hợp tác. Năng lực của nguồn nhân sự quản lý cũng cần đào tạo, đổi mới không ngoại lệ. Nên lựa chọn, tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thay đổi tư duy từ quản lý nhà nước sang quản lý doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu tăng doanh thu và lợi nhuận.

Tham khảo thêm >>  Tư vấn về luật đầu tư