Xét xử đại án Oceanbank:

0
511

Tại phiên xét xử sơ thẩm đại án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương – nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank đã được Hội đồng xét xử tạm đình chỉ xét xử do đang điều trị bệnh ung thư khiến nhiều bạn đọc băn khoăn đặt vấn đề: có hay không việc bị cáo này chạy tội? Xung quanh vấn đề này, NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW).
Việc tòa án tạm đình chỉ xét xử bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương vì lý do đang điều trị bệnh ung thư có đúng quy định của pháp luật, thưa luật sư?
Quyết định tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử được quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003, theo đó thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 của Bộ luật này. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
Một trong những căn cứ tạm đình chỉ vụ án quy định tại Điều 160 của Bộ luật tố tụng hình sự là: Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì có thể tạm đình chỉ.
Như vậy nếu bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương, mắc bệnh ung thư, đang điều trị và có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì việc tòa án tạm đình chỉ xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương là có cơ sở pháp lý.
Trên thực tế có không ít người mắc bệnh ung thư nhưng sức khỏe vẫn ổn định, vừa điều trị, vừa làm việc; nhiều trường hợp người bệnh sống chung với ung thư hàng chục năm. Nếu vì bị cáo mắc ung thư mà tạm đình chỉ như vậy thì bao giờ vụ án mới xét xử được?
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà Hội đồng xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cân nhắc, quyết định. Tôi lấy ví dụ, có người mắc bệnh ung thư vú, nhưng họ vẫn sống khỏe mạnh vài chục năm, vừa điều trị vừa làm việc. Vậy thì những bị cáo này vẫn có thể bị đưa ra xét xử, tất nhiên cần phải có ý kiến của cơ quan y tế. Nhưng nếu bị cáo đang trong đợt truyền hóa chất, xạ trị…sức khỏe suy kiệt thì không thể nào đưa ra xét xử được mà phải tạm đình chỉ.
Đã từng có trường hợp giả tâm thần; thậm chí có trường hợp cán bộ y tế còn tiếp tay làm hồ sơ bệnh án giả tiếp tay cho tội phạm thoát tội. Vậy cơ quan pháp luật có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này. Trong trường hợp của bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương, tòa có cần thẩm định lại hồ sơ bệnh án?
Đối với những trường hợp nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng cần rất thận trọng, có những quyết định chính xác để không bị “qua mặt”, lọt tội phạm; đồng thời cũng không để cho người có hành vi phạm tội không được hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước.
Đặc biệt đối với những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì theo tôi hồ sơ về bệnh tật của bị can, bị cáo có liên quan đến trách nhiệm hình sự cần phải được thẩm định rất kỹ.
Lê Chiên (thực hiện)