Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường: Vẫn y nguyên

0
581

Trong bài viết Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường: Vẫn y nguyên đăng trên An ninh thủ đô điện tử có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thị Thu đến từ SBLAW.

Mời Quý vị đón đọc tại đây:

ANTD.VN – Ngày 1-2, Nghị định số 155/2016/ NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Các hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định, vứt tàn, mẩu thuốc lá bừa bãi, vứt rác thải ở vỉa hè… sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, ghi nhận qua những ngày đầu tiên thực hiện, mọi sự vẫn y nguyên.

Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Nghị định cũng nêu rõ, thẩm quyền xử phạt những hành vi này là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng… Lực lượng chức năng sẽ bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh… để xử lý người vi phạm. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh…

ảnh 1

Nhan nhản vi phạm

Những ngày đầu tiên của năm mới Đinh Dậu, tại Bến xe khách Mỹ Đình, tàn thuốc lá, đầu mẩu thuốc vương vãi khắp trên mặt đất.  Khá nhiều biển cấm hút thuốc được treo ở bãi gửi xe, phòng bán vé nhưng cả lái xe, hành khách và thậm chí nhân viên trông xe, người làm nhiệm vụ soát vé vẫn cứ hút. Và dù cho nhà vệ sinh ở bến xe khá sạch sẽ, chỉ mất 2.000 đồng/lượt nhưng nhiều người vẫn cứ “tiện” đi vệ sinh ngay ngoài đường, cạnh các bờ rào, tường ngăn…

“Muốn xử lý triệt để cần mạnh tay từ gốc. Đó là việc tăng cường kiểm tra, phạt nặng đối với vi phạm về quảng cáo, về tiếp thị, khuyến mãi thuốc lá. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi quy định, cho phép cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt tại chỗ các hành vi vi phạm”.

Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Thành nhân viên trông xe ở Bến xe Mỹ Đình cho hay: “Chúng tôi đều biết có quy định cấm hút thuốc lá  ở nơi công cộng, cấm đi vệ sinh bừa bãi nhưng đó là thói quen khó bỏ. Nhà xe hay hành khách đều tranh thủ hút điếu thuốc trước lúc lên xe, cộng với ý thức chưa cao nên cứ tiện tay vứt mẩu thuốc lá ra đất. Cánh nam giới nhiều khi lười đi vào nhà vệ sinh của bến xe nên tiện đâu vệ sinh đó. Tôi làm ở đây 7 năm nhưng chưa thấy ai bị phạt vì hút thuốc lá  hay đi vệ sinh cá nhân không đúng chỗ bao giờ. Có ai, lực lượng nào phạt đâu, với lại cũng khó, lấy gì làm vật chứng, ai suốt ngày đi làm nhiệm vụ bắt quả tang khi người ta chỉ vi phạm trong giây lát”.

Thiếu tá Đinh Văn Thanh, Trưởng CAP Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, quản lý địa bàn có Bến xe khách Mỹ Đình cũng phải thừa nhận, rất khó để bắt quả tang người hút thuốc lá, đi tiểu tiện không đúng nơi quy định vì hành vi vi phạm diễn ra quá nhanh, nếu không có camera giám sát thì không thể có hình ảnh lưu lại, người vi phạm dễ chối.

Tương tự như tại các bến xe, ngay ở cổng, các sảnh và hành lang bệnh viện Xanh Pôn có rất nhiều biển cấm hút thuốc lá nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên hút  làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Chị Nguyễn Ngọc Châm, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội bức xúc, nhiều người không có ý thức thấy biển cấm hút thuốc lá nhưng vẫn vô tư hút, nhả khói trước mặt bệnh nhân, con trẻ.

Chưa kể  công viên cũng là nơi tàn, mẩu thuốc bừa bãi khắp nơi hay bất cứ gốc cây nào cũng có mùi khí “amoniac” nồng nặc. Điển hình như Công viên Hòa Bình, do diện tích rộng , nhà vệ sinh lại phân bố thưa thớt nên không ít người tìm bừa nơi “giải quyết nỗi buồn”. Anh Nguyễn Trọng Hoàng, sinh viên Đại học Mỏ – Địa chất chia sẻ, mặc dù biết tiểu tiện nơi công cộng là bị phạt nhưng thật ra hệ thống nhà vệ sinh ở đây chưa thật tốt, vừa thiếu lại không sạch sẽ nên người ta vẫn ngại vào. Hơn nữa, quy định đã có nhưng chưa thấy ai bị phạt nên người ta vẫn cứ vi phạm.

Rất khó trong việc xử phạt 

Quy định là vậy nhưng theo Thiếu tá Đinh Văn Thanh, việc xử phạt này rất khó thực hiện nếu không muốn nói là không thể. Trước đây, Nghị định 179/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hút thuốc lá, vứt thải, bỏ đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng chỉ phạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng thuộc thẩm quyền xử phạt cấp phường thì lực lượng CAP có thể lập biên bản xử phạt và người vi phạm nộp phạt ngay. Nhưng nay với hành vi này, mức phạt đã tăng lên từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng thì đã vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính của cấp phường.

Để có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này, lực lượng công an cơ sở phải báo cáo đề xuất lãnh đạo công an quận ra văn bản xử phạt hành chính. Để có biên bản xử phạt thông thường phải mất từ 1 đến 2 ngày, trong khi đó, đối với các lỗi vi phạm hành chính này, lực lượng công an không có quyền giữ cá nhân tại trụ sở cơ quan công an. Sau khi lập biên bản vi phạm, nếu có, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ có thể giữ giấy tờ tùy thân để yêu cầu người vi phạm đi nộp phạt rồi sau đó mới có thể trả lại giấy tờ.

“Tuy nhiên trên thực tế, CMND không có giá trị lớn như giấy tờ xe máy hay các loại giấy tờ có giá trị khác và dễ dàng xin cấp lại nên người vi phạm thà mất 70.000 đồng làm lại Căn cước công dân còn hơn mất vài triệu đồng tiền phạt vì trót hút thuốc hay vệ sinh cá nhân tại nơi công cộng” – chỉ huy CAP Mỹ Đình 2 nhìn nhận.

Ngoài phạt tiền, cần nâng cao ý thức

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng, mặc dù chế tài xử phạt hiện đã khá rõ ràng song khó áp dụng vào thực tế. Theo quy định, cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi này gồm cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ Trung ương tới địa phương; cơ quan quản lý thị trường; cơ quan công an và UBND các cấp. Song hiện nay, do lực lượng chuyên trách còn mỏng lại thiếu trang thiết bị, kinh phí hoạt động, trong khi đó việc hút thuốc diễn ra nhanh, trong thời gian rất ngắn nên khó kiểm soát.

Ngoài ra, việc quy định thẩm quyền xử phạt còn chung chung, những người có thẩm quyền lập biên bản chưa thực sự quyết liệt trong việc lập biên bản xử phạt nên đã dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật. Hơn nữa, việc yêu cầu người bị phạt đến kho bạc nộp tiền phạt chưa hợp lý bởi nó căn cứ vào tính tự giác của họ, trong khi đó, cơ quan chức năng lại không được phép tạm giữ giấy tờ tùy thân của người vi phạm.

Đối với việc xử phạt hành vi về vệ sinh cá nhân, để quy định đảm bảo tính khả thi, luật sư Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý thường xuyên, khi xử phạt cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch để người dân nghiêm túc chấp hành. Bên cạnh đó, phạt tiền phải kèm theo các biện pháp xử lý mang tính chất văn hóa (ra văn bản khiển trách về khu dân cư hoặc cơ quan nơi công tác, viết cam kết không vi phạm lối sống văn hóa, công khai danh tính cá nhân của người vi phạm…).

Trước mắt, cần nhanh chóng luật hóa quy định về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng của các nhà vệ sinh ngay từ khi duyệt dự án, thiết kế thi công trung tâm thương mại, khu chung cư hoặc những điểm vui chơi công cộng. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường giáo dục cho học sinh về hành vi văn hóa và văn minh tại nơi công cộng.

Link bài viết;

http://anninhthudo.vn/doi-song/xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-moi-truong-van-y-nguyen/717061.antd